(TSVN) – Trong quá trình tìm kiếm các nguồn protein thức ăn thủy sản mới và bền vững, Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Nghề cá và Thủy sản Na Uy (Nofima) đã tiến hành thử nghiệm chất lượng kỹ thuật và những hạn chế dinh dưỡng của bột hải tiêu. Đây là hai tiêu chí để xác định mức độ bổ sung của thành phần này trong thức ăn thủy sản.
Theo một nghiên cứu trước đây từ Na Uy, hải tiêu (Ciona intestinalis) hay còn gọi là động vật biển có bao có thể được sử dụng làm nhiên liệu sinh học và thức ăn cho cá. Hải tiêu sinh sống dưới đáy đại dương, dưới cầu tàu hoặc dây thừng tàu. Chúng hấp thụ chất dinh dưỡng qua quá trình lọc nước biển và ăn vi khuẩn.
Trong một nghiên cứu gần đây hơn được đăng tải trên tạp chí thức ăn và công nghệ chăn nuôi Animal Feed and Technology tháng 2/2022; Tor Andreas Samuelsen và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Nofima đã làm sáng tỏ hiệu lực của bột hải tiêu trong quá trình ép đùn thức ăn và chất lượng vật lý của viên thức ăn trong số các thuộc tính khác.
Thức ăn công nghiệp cho cá thường được sản xuất bằng công nghệ ép đùn và các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng tính khả thi trong sản xuất và đặc tính của sản phẩm thức ăn cuối cùng phụ thuộc vào các tính chất hóa học, vật lý và lưu biến của các thành phần thức ăn. Trong công bố trước đây trên trang web của Nofima, Samuelsen đã nói rằng đây là những tiêu chí quan trọng để đảm bảo cho bất kỳ thành phần thức ăn thủy sản mới đạt chất lượng kỹ thuật chuẩn xác. Một số thành phần thức ăn cần quá nhiều nước, số khác lại cần nhiệt độ quá cao, trong khi những thành phần khác lại phá vỡ các cấu trúc của viên thức ăn. Nếu thức ăn không đạt chất lượng vật lý cao, nó sẽ nhanh chóng bị vỡ vụn ra trước khi đến gần miệng cá, và vật nuôi không thể ăn được loại thức ăn này, theo Samuelsen.
Các đặc tính kỹ thuật của bột cá và đạm thực vật như tinh chất đạm đậu nành cô đặc hay gluten mì (WG) đều được công nhận trong nhiều báo cáo. Nhưng rất ít tài liệu đánh giá về protein mới và bền vững như bột hải tiêu. Do đó, Nofima đã đánh giá các đặc tính kỹ thuật của bột hải tiêu bằng cách xác định hiệu lực của loại protein mới khi thay thế đạm thực vật truyền thống như bột cá về độ nhớt, kết cấu vi mô, độ giãn nở khi ép đùn, chất lượng vật lý ép viên, hấp thụ dầu và khả năng thấm.
Nhóm Nofima nhận thấy rằng, trong phạm vi thử nghiệm, bột hải tiêu có khả năng thay thế 64% bột cá thể mà không ảnh hưởng đến chất lượng của viên thức ăn. Nhờ có sẵn độ nhớt, bột hải tiêu có thể cải thiện chấp lượng và khả năng hấp thụ chất béo của các loại thức ăn ép đùn. Phát hiện này mở ra nhiều tia hy vọng cho ngành chế biến thức ăn thủy sản khi có ý định đưa bột hải tiêu vào thành phần thức ăn thủy sản.
Dũng Nguyên
Theo Nofima