(TSVN) – Hỏi: Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của biến động nhiệt độ ao tôm vào những lúc mưa kéo dài?
(Trần Văn Nam, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Khi nhiệt độ giảm xuống 1°C, mức độ thèm ăn của tôm giảm 10%. Bình thường, mưa sẽ hạ thấp nhiệt độ ao xuống 3 – 5°C. Nên khả năng ăn của tôm ở có thể giảm ít nhất 30%. Mức nhiệt có thể bị giảm thấp hơn nếu mưa lớn kéo dài kèm theo tình trạng áp thấp. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và trao đổi chất của tôm trong ao. Ngoài việc ảnh hưởng đến sự thèm ăn, khi nhiệt độ xuống do mưa, tôm cũng có xu hướng di chuyển đến vùng nhiệt độ cao và độ mặn cao. Bên cạnh đó, tôm cũng muốn trốn tiếng mưa trên mặt nước. Kết quả là chúng tụ tập ở những vùng sâu hơn của ao, nơi có nồng độ ôxy hòa tan thấp và nồng độ H2S trong ao cao hơn, rất có hại cho sức khỏe của tôm. Để hạn chế tình trạng này, trước khi trời mưa, nên rải vôi xung quanh bờ ao với 15 – 20 kg/100 m². Bằng cách này, vôi sẽ hòa tan vào ao khi trời mưa và hỗ trợ duy trì pH, độ cứng và hàm lượng ion hòa tan ổn định trong nước. Đối với nuôi tôm ao bạt, có thể ủ vôi đánh trong mưa để hạn chế sự biến động của pH. Liên tục chạy quạt, ôxy để hạn chế tình trạng phân tầng nhiệt độ, ôxy… Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống ống rút nước tầng mặt cũng là biện pháp hiệu quả để tránh hiện tượng phân tầng và biến đổi môi trường do nước mưa. Nếu thời gian mưa lâu, cần giảm lượng thức ăn ít nhất 30% và tiếp tục giảm nếu nhiệt độ giảm. Sau mưa, có thể tăng dần lượng thức ăn dựa theo sự tăng nhiệt độ. Tuy nhiên, phải đảm bảo pH và ôxy hòa tan đã ổn định và phù hợp với tôm.
Ban KHKT