Hạn chế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Do nguồn nguyên liệu không đảm bảo, thời gian gần đây liên tiếp nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu (XK) của Việt Nam bị khách hàng phàn nàn về chất lượng.

Tăng kháng sinh do môi trường ô nhiễm

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, EU vừa có văn bản cảnh báo các lô hàng thủy sản của bốn doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép bao gồm: Xí nghiệp thực phẩm Mekong Delta thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ; Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam; Công ty cổ phần Foodtech và Nhà máy chế biến thủy sản Công ty cổ phần Khang Thông. Tương tự, cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng vừa cho hay sản phẩm của hai doanh nghiệp Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm là Công ty TNHH Tân Thành Lợi và Công ty cổ phần Nam Sông Hậu. Còn trước đó, chỉ tính trong quý I/2016, đã có khoảng 31 lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh bị các đối tác như Nhật, Liên minh châu Âu… báo động “đỏ”.

Theo các chuyên gia trong ngành, sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề không mới nhưng vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân do môi trường ngày càng ô nhiễm, người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Kết quả khảo sát của Cục Thú y mới đây cho thấy, có đến hơn 73% số hộ nuôi cá tra (cả nuôi thương phẩm, cá giống) và tôm được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Riêng cả nước có hơn 470 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó gần 33% tập trung ở các tỉnh khu vực Nam Bộ nhưng hiện vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh công nghiệp và thiếu đội ngũ thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm của cơ sở.

Đảm bảo XK thuỷ sản bền vững, cần lắm sự chung lưng đấu cật của ngành chức năng, doanh nghiệp giúp người nuôi sản xuất được nguồn nguyên liệu an toàn

Các chế tài trong việc kiểm tra, giám sát hiện vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, nhằm hạn chế tái diễn vi phạm từ người nuôi, đại lý thu mua, thú y, cơ sở chế biến thức ăn thủy sản, chủ tàu… Trong khi đó xu hướng nhập khẩu hàng thủy sản với yêu cầu kiểm tra chất lượng, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt.


Phải tuân thủ “luật chơi”

Ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia EU-Mutrap cho rằng việc hội nhập sâu với thế giới đang mở ra nhiều cơ hội về thị trường nhưng để tận dụng được điều đó, doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi chung và đáp ứng các quy định về thương mại. Với ngành thủy sản, các doanh nghiệp, người nuôi phải chú trọng đến nhóm hóa chất và kháng sinh chủ động đưa vào sản xuất, trong đó cần hiểu danh mục nào được phép hoặc cấm sử dụng. Nếu có sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, doanh nghiệp XK cần truy cập website của nước nhập khẩu để đánh giá thử nghiệm và khảo nghiệm của từng loại, qua đó nắm được liều dùng và thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch.

Ở góc độ người nuôi, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho hay, để hạn chế tình trạng trên hiện doanh nghiệp đang tăng cường kiểm soát nguyên liệu thủy sản đầu vào phục vụ cho XK, xây dựng vùng nuôi an toàn. Đơn vị đã chủ động liên kết với các hộ nuôi nhỏ lẻ hình thành các vùng nuôi có diện tích lớn nhằm dễ dàng áp dụng những tiêu chuẩn sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. “Để hạn chế được tình trạng dư lượng kháng sinh, theo tôi các doanh nghiệp cần kiểm tra chặt chẽ nguyên liệu từ khâu thu mua, vận chuyển, chế biến theo yêu cầu đối tác đặt ra. Riêng về phía ngành chức năng, cần có biện pháp phạt nặng đối với những tổ chức, cơ sở vi phạm như kiên quyết rút giấy phép hành nghề của các cơ sở, cá nhân kinh doanh hóa chất kháng sinh thuộc danh mục cấm…”, ông Lực nói.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, thoát nước) phục vụ nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu lây nhiễm chéo các loại mầm bệnh giữa các ao nuôi, vùng thâm canh, bán thâm canh; Ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y…

“Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải chủ động kiểm tra chất lượng ngay từ đầu vào, giám sát và yêu cầu người nuôi cam kết hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh trong giai đoạn nuôi trồng. Trong thời gian tới Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển những mô hình sản xuất sạch của doanh nghiệp”, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

>> Nghiêm trọng hơn, cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam có thể sẽ bị đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép XK vào EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản XK vào thị trường này bị cảnh báo hóa chất kháng sinh bị cấm theo quy định. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến & XK thủy sản Việt Nam

Lê Nghĩa

Báo Tin tức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!