Sau một năm làm ăn thất bát vì dịch bệnh, người nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải miền Trung kỳ vọng vào vụ nuôi mới, gỡ gạc lại vốn. Nào ngờ bước vào đầu vụ, dịch bệnh lại tấn công tôm.
Tôm lại bệnh
Tỉnh Bình Định đã thả giống trên 1.560 ha mặt nước, đạt 71% diện tích nuôi. Địa phương có phong trào nuôi tôm mạnh nhất là huyện Tuy Phước thả nuôi 860 ha; huyện Phù Mỹ 425 ha, Phù Cát 76 ha, Hoài Nhơn 50 ha , TP Quy Nhơn 150 ha.
Theo lịch thời vụ, những hộ nuôi thả giống đầu tháng 3/2013, nhưng chưa được 1 tháng sau đã có nhiều tôm nuôi ngã bệnh, lăn đùng ra chết. Đến nay đã có hơn 20 ha tôm “dính” bệnh. Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định cho biết: “Tôm nuôi chủ yếu “dính” bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy (hội chứng tôm chết sớm). Bệnh đốm trắng tập trung gây hại ở các huyện Tuy Phước và Phù Cát. Bệnh hoại tử gan tụy lại “nhắm” vào tôm thẻ chân trắng nuôi trên cát ở các xã ven biển huyện Phù Mỹ”.
Ông Phan Thành Công, chủ hồ tôm ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (Tuy Phước) cho biết: “Dịch bệnh tôm thường xuyên xảy ra nên hầu hết người nuôi thua lỗ, mất khả năng tái đầu tư. Bước vào vụ nuôi năm nay, với diện tích 0,5 ha, tui cố chạy vạy vay mượn bà con hơn 30 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua giống. Mới thả nuôi mà tôm đã dính bệnh, không biết rồi đây nợ nần gỡ sao cho ra”.
Tôm chết yểu do bệnh hoại tử gan tụy ở Tuy Phước (Bình Định)
Bức tranh nuôi tôm ở Quảng Ngãi cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Năm 2012 tỉnh này thả nuôi 1.406 ha tôm, tăng 0,3% so năm 2011. Thế nhưng sản lượng tôm nuôi lại thấp hơn năm trước 1,1%. Nguyên nhân có đến 300 ha tôm thẻ chân trắng bị chứng hoại tử gan tụy, không cho người nuôi thu hoạch. Bước sang vụ nuôi 2013, tỉnh mới chỉ thả nuôi 100 ha tôm thẻ chân trắng, mà đã có trên 20 ha ở huyện Tư Nghĩa phải “cảo hồ” vì lũ tôm đã chết hết.
Tôm “khát” nước ngọt
Nét đặc thù của NTTS là tôm nuôi ở vùng ven biển, nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa. Năm nào mưa lớn, nước mưa tẩy rửa được chất hữu cơ trong vùng nuôi, nhất là những vùng đầm, đưa hết mọi chất tồn dư ra biển làm môi trường nuôi được sạch, tôm nuôi vụ mới sẽ kháng được nhiều dịch bệnh.
Thế nhưng năm vừa qua, trên địa bàn miền Trung “vắng” mưa. Điều đương nhiên là các vùng nuôi tôm bị ô nhiễm chồng chất. Trong khi đó, do thất bại nhiều vụ liên tiếp nên người nuôi không còn vốn đầu tư cải tạo hồ nuôi đúng quy trình, do vậy dịch bệnh càng có cơ hội hoành hành.
Không chỉ vậy, theo ông Võ Đình Tâm, vùng nuôi tôm lệ thuộc vào nguồn nước ngầm như ở huyện Hoài Nhơn, hoặc ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ), nếu gặp thời tiết ít mưa cũng sẽ gặp bất thuận. Không có mưa, các hồ chứa trơ đáy, mạch nước ngầm cũng cũng cạn kiệt theo, ao nuôi tôm thiếu nước ngọt để trung hòa nguồn nước nuôi nên tôm cũng dễ bị dịch bệnh tấn công.
Môi trường vùng nuôi ở Quảng Ngãi cũng lâm cảnh tương tự. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cấp thoát nước cho những vùng nuôi tôm ở tỉnh này còn rất tệ hại nên tôm thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa. Ông Phan Huy Hoàng, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết thêm: “Môi trường đã ô nhiễm, cộng vào đó người nuôi chưa ý thức về tuyển chọn nguồn giống. Nơi nào bán giống rẻ thì mua, chẳng cần biết nguồn gốc xuất xứ. Mua xong cũng chẳng màng đến việc kiểm dịch nên dịch bệnh xảy ra là chuyện không lạ”.
Còn ông Võ Đình Tâm bộc bạch: “Với bệnh đốm trắng, chúng tôi có thể ngăn không cho lây lan diện rộng bởi đã có kinh nghiệm, nên khi phát hiện dịch bệnh, dập thuốc vào là khống chế được ngay. Tuy nhiên, với bệnh hoại tử gan tụy khiến tôm chết sớm thì vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nên chưa có cách đối phó. Do đó, thiệt hại là rất khó lường.
Chúng tôi hy vọng vào tháng 5 sẽ xuất hiện mưa tiểu mãn như mọi năm để thời tiết mát mẻ, tạo thuận lợi cho tôm phát triển. Nếu mưa không xảy ra, thời tiết diễn ra trái quy luật thì chắc chắn dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng đến tôm nuôi nặng nề hơn”.
Ông Phan Huy Hoàng, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: “Tôm chết chủ yếu cũng do 2 bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Nhiều hộ nuôi vừa thất bại năm trước giờ tiếp tục “lâm nạn”, khốn đốn vì nợ nần chồng chất”. |