(TSVN) – Trong 10 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác mực ống nội địa của Hàn Quốc chỉ đạt 20.000 tấn. Tính riêng tháng 11, sản lượng mực ống nội địa chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Mực ống, hải sản được tiêu thụ nhiều nhất Hàn Quốc, vốn là sản phẩm chủ lực của nghề cá bờ biển phía Đông. Tuy nhiên, do nước biển ấm lên, mực ống ở vùng biển ngoài khơi thuộc Hàn Quốc di cư dần về phía Bắc khiến nguồn lợi sụt giảm mạnh.
Cho Seung-hwan, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Hàn Quốc nhấn mạnh, gánh nặng kinh tế dồn lên vai ngư dân khi sản lượng khai thác mực giảm mạnh. Thiệt hại mà các tàu mực phải gánh chịu lên đến 30 triệu won hàng tháng do nhiều chi phí cố định như lao động và tiền lãi.
Do sản lượng đánh bắt giảm, giá mực tại Hàn Quốc trong tháng 11 đã tăng vọt 42,1% so với tháng trước. Ảnh: Shutterstocks
Tình hình nghiêm trọng hơn ở bờ biển phía Đông tỉnh Gangwon và Bắc Gyeongsang, những trung tâm sản xuất mực ống của cả nước. Đầu những năm 2000, sản lượng khai thác mực ống tỉnh Gangwon đạt khoảng 20.000 tấn, nhưng tới năm 2014 giảm mạnh xuống 9.846 tấn và chỉ còn 3.504 tấn vào năm ngoái. Tính đến tháng 11/2023, ngư dân chỉ đánh bắt được 1.286 tấn mực ống. Trong khi đó, tỉnh Gyeongsuk-do duy trì sản lượng 50.000 tấn cho đến năm 2018, sau đó giảm xuống 3.000 tấn vào năm 2022 và hiện chỉ còn khoảng 2.000 tấn trong năm nay.
Ngư dân địa phương cho biết, loài mực ống từng mang giá trị biểu tượng cho Hàn Quốc không còn là món ăn phổ biến ở các vùng bờ biển phía Đông nữa. Theo ông Hwang Gwang-seok, Chủ tịch Hiệp hội khai thác hải sản Geojin thuộc tỉnh Gangwon, hiện các vùng biển đang sẵn bạch tuộc hơn mực.
Sự khác biệt giữa nguồn lợi mực và bạch tuộc thể hiện rõ nét vào mùa hè. Trong tháng 7, ngư dân vùng biển nam Trung Quốc đã đánh bắt được 64 tấn mực và 174 tấn bạch tuộc. Tới tháng 8, sản lượng mực chỉ bằng một nửa sản lượng bạch tuộc. Huang cho biết, lượng bạch tuộc bắt được trong ngày có thể vượt 100kg bởi nhiều con bạch tuộc có thể nặng hơn 15kg.
Những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt mực đang chuyển sang bạch tuộc. Số lượng tàu khai thác bạch tuộc chuyên dụng đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Riêng huyện Goseong, tỉnh Gangwon đã có hơn 350 tàu khai thác bạch tuộc. Hầu hết ngư dân đều ủng hộ chuyển đổi sang bạch tuộc vì chi phí khai thác và đầu tư tàu bè đều rẻ hơn. Nhiều bến cảng tại Hàn Quốc đã “chật cứng” vì số lượng tàu bạch tuộc tăng nhanh. Văn phòng thủy sản và đại dương Danghae đã phải chi 12,4 tỷ won để xây thêm bến cho tàu nhỏ và tăng cường tường chắn sóng tại cảng Daejin và Gonghyeonjin
Đánh bắt quá mức cũng là nguyên nhân làm giảm sản lượng mực ống trong những năm gần đây. Theo “Báo cáo về biến đổi khí hậu và tác động đến nghề cá năm 2023” do Viện Khoa học thủy sản Hàn Quốc công bố, trong 55 năm từ 1968 đến 2022, nhiệt độ nước biển trung bình hàng năm ở Hàn Quốc tăng 1,36 độ C, cao hơn tốc độ tăng trưởng nhiệt độ trung bình trên thế giới (0,52 độ C). Nhiệt độ bờ biển phía Đông Hàn Quốc là 1,82 độ C, cao hơn mức trung bình trong nước. Tiến sĩ Kim Jung-jin, Viện Khoa học Thủy sản Hàn Quốc cho biết: “Nhiệt độ nước tối ưu để mực ống phát triển là 15-20 độ C, nhưng khi nhiệt độ nước biển phía Đông tăng lên, mực sẽ di chuyển về phía Bắc”.
Do sản lượng đánh bắt giảm, giá mực tại Hàn Quốc trong tháng 11/2023 đã tăng vọt 42,1% so với tháng trước. Tháng trước, tại tỉnh Gangwon, một hộp mực tươi sống (20 con) được bán với giá 270.000 won, gấp 5 lần giá cùng kỳ năm ngoái (50.000 won).
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng giá mực, chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói tín dụng ưu đãi khẩn cấp 30 triệu won (22.912 USD) cho mỗi ngư dân đánh bắt mực. Các hợp tác xã nghề cá sẽ đứng ra bảo lãnh cho ngư dân không đủ khả năng thế chấp tài sản với hi vọng họ sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu trong nước, Hàn Quốc cũng tăng cường nhập khẩu mực ống nước ngoài. Nửa đầu năm 2023, lượng mực ống nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng hơn 40% so cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Peru là các nguồn cung mực đông lạnh chủ yếu cho Hàn Quốc.
Tuấn Minh
(Theo Fisnews)