Theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) sẽ cử đoàn thanh tra một số cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị của Việt Nam XK sang Hàn Quốc vào giữa tháng 2/2012.
KFDA đã cung cấp danh sách gồm 28 cơ sở sản xuất cá bò khô XK sang Hàn Quốc và cho biết sẽ tiến hành kiểm tra điều kiện sản xuất một số cơ sở trong danh sách này.
Vì vậy, các DN có tên trong danh sách cần chủ động rà soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm cá bò cho DN nhằm bảo đảm hoạt động tự kiểm soát đối với các cơ sở này phù hợp và tốt hơn.
Trước đó, năm 2011, theo một số nguồn tin, trên một kênh truyền hình Hàn Quốc đã đưa tin về việc chế biến cá bò XK của Việt Nam không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu quý II năm 2011, cơ quan thanh tra chất lượng của Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam vì phát hiện ngày càng nhiều lô hàng giáp xác có chứa hàm lượng SO2 vượt mức giới hạn cho phép.
Cá bò khô tẩm gia vị là một trong những mặt hàng thuỷ sản truyền thống của thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có một số mặt hàng thuỷ sản được ưa thích tại thị trường này như tôm, nhuyễn thể chân đầu, nhuyển thể hai mảnh vỏ và cá tra, đặc biệt là các sản phẩm từ cua, cá thu… nhưng nguồn cung trong nước rất thiếu.
Hiện nay Hàn Quốc đang tập trung nuôi thuỷ sản tại các vùng nước nóng để đảm bảo nguồn cung ổn định và cũng đang tích cực mua lại hạn ngạch đánh bắt cá từ các nước khác như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), NK thủy sản chế biến và Cá khô của Hàn Quốc từ các nước liên tục tăng trong 3 năm trở lại đây, với xu thế NK nhiều thủy sản chế biến hơn so với cá khô các loại.
Việt Nam hiện xếp vị trị thứ 2 trong số các nước trên thế giới XK thủy sản chế biến sang thị trường Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam rất đa dạng và có chất lượng nhưng để XK được sang Hàn Quốc thì vẫn còn không ít cản ngại, đặc biệt là phải cạnh tranh gay gắt với thủy sản chế biến của Trung Quốc có giá rẻ hơn và sản phẩm của Thái Lan với mẫu mã bắt mắt hơn.
Tổng giá trị thủy sản chế biến NK vào Hàn Quốc năm 2011 đạt 594,096 triệu USD, tăng so với 425,178 triệu USD của năm 2010. Dẫn đầu về giá trị là Trung Quốc với 145,5 triệu USD, tiếp đến Việt Nam 90,2 triệu USD và Thái Lan đạt 82,7 triệu USD. Đáng chú ý là trong 3 năm gần đây, khối lượng XK thủy sản chế biến sang Hàn Quốc của các nước này đều tăng. Đứng thứ 4 là Pêru – đây cũng là nước phải chịu mức thuế suất trung bình cao nhất trong số 4 nước nói trên, 26,23%.
Trong khi đó, giá trị NK cá khô các loại vào Hàn Quốc từ các nước trên thế giới trong năm qua chỉ đạt 68,95 triệu USD, tăng ít so với 65,49 triệu USD của năm 2010. Đứng đầu về XK cá khô vào Hàn Quốc là Nga với giá trị đạt 42,83 triệu USD, tiếp đến Trung Quốc 12,07 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ XK cá khô sang Hàn Quốc với giá trị đạt 5,95 triệu USD. Tuy nhiên, NK cá khô của Hàn Quốc từ Trung Quốc và Việt Nam đều giảm so với năm 2010, trong đó Việt Nam giảm hơn một nửa. Một số DN lý giải nguyên nhân sụt giảm không phải do nhu cầu của thị trường mà một phần do giá NK tại thị trường này chưa thực sự hấp dẫn so với một số thị trường cùng NK mặt hàng này và một phần do Hàn Quốc đang siết chặt kiểm tra chất lượng sản phẩm cá khô NK từ Trung Quốc và Việt Nam.
Trong tương lai, các DN XK thuỷ sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc nhưng nếu sản phẩm của các DN nào chất lượng hơn và DN thực hiện tốt kiểm soát an toàn thực phẩm thì cánh cửa vào thị trường này vẫn còn rộng mở.
Ngọc Thủy
Theo Vasep