T2, 16/12/2024 02:01

Hành trình 100 năm nghề muối – Đời người

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 16/12/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức Họp báo công bố Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025. Festival được tổ chức với mong muốn tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối và khẳng định vị thế của nghề muối trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nghề làm muối ở Việt Nam là một ngành truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và văn hóa, đặc biệt tại các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu…

Họp báo công bố Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh

Riêng tại Bạc Liêu, nơi được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam với sản lượng lớn nhất nước, không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt cho Bạc Liêu. Các lễ hội muối, những câu chuyện và kinh nghiệm truyền đời về nghề làm muối đều phản ánh sâu sắc tinh thần và bản sắc của vùng đất này, đồng thời là mặt hàng xuất khẩu quan trọng. 

Dẫu vậy, muối vẫn là một nghề thăng trầm, đang dần mất sức hút đối với thế hệ trẻ. Những yếu tố như thu nhập thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt và sự hấp dẫn của các ngành nghề khác đã khiến giới trẻ ít mặn mà với nghề này.

Theo đó, từ ngày 6 – 8/3/2025, tại Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối – Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”. 

Ông Lê Trọng Đảm – Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ mục đích tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh

Ông Lê Trọng Đảm – Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ, với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”, Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn về tương lai, định hình con đường phát triển hiện đại và bền vững cho nghề muối trải dài khắp các tỉnh ven biển Việt Nam.

“Festival lần này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của nghề làm muối. Nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm muối, thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến. Tăng cường kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, diêm dân, cũng như tạo cơ hội quảng bá muối Việt Nam trên thị trường quốc tế. Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức được tiềm năng, ý nghĩa và cơ hội từ nghề truyền thống này”, ông Lê Trọng Đảm nhấn mạnh.

Ông Ngô Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu chia sẻ về kế hoạch triển khai Festival. Ảnh: Tùng Đinh

Ông Ngô Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết, Bạc Liêu hiện được coi là “thủ phủ” nghề muối, đứng thứ hai cả nước sau Ninh Thuận. Tỉnh Bạc Liêu là cái nôi văn hóa nghề muối, sản phẩm muối có chỉ dẫn địa lý và cánh đồng muối của tỉnh được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Bạc Liêu có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, không gian văn hóa giàu bản sắc để tổ chức Festival nghề muối. “Qua sự kiện Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối – Đời người”, tỉnh Bạc Liêu mong muốn sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; đặc biệt nâng tầm giá trị hạt muối của Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng”, Phó Giám đốc Ngô Nguyên Phong nhấn mạnh. 

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn giới thiệu về lịch sử nghề muối. Ảnh: Tùng Đinh

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), chia sẻ: Muối đồng hành cùng lịch sử loài người nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Nghề muối được cho là bắt đầu từ 3.000 năm trước công nguyên, với những điểm khai thác tại Trung Quốc và châu Âu. Muối tham gia sâu sắc vào lịch sử phát triển, tiến trình chính trị. Tại Việt Nam, nghề làm muối cũng có lịch sử lâu đời tại nhiều tỉnh ven biển. Với 3.200 km bờ biển và điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi của nước biển mặn, của nắng và gió, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề muối. Diện tích làm muối ở nước ta đã từng lên tới 23.000 ha, nay còn khoảng 11.000 ha, với hàng nghìn hộ dân tham gia.

“Chính vì thế, Festival lần này có vai trò rất quan trọng, không chỉ thay đổi nhận thức về muối, mà còn khơi dậy tình yêu nghề muối, phát triển nghề thủ công và phát triển kinh tế ven biển”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 được tổ chức với mong muốn tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, thông qua đó khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối. 

Sự kiện kỳ vọng không chỉ quảng bá sản phẩm muối Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung, mà còn tạo động lực kết nối kinh tế, văn hóa và du lịch. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần bảo tồn truyền thống, nâng cao giá trị hạt muối Việt và khẳng định vị thế của nghề muối trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, không để lễ hội rơi vào tình trạng của một hội chợ thông thường. Nội dung lễ hội cần hướng tới việc viết lại câu chuyện về muối Bạc liêu, muối Việt Nam tạo nên tình cảm yêu thương, trân quý về nghề muối, diêm dân và những sản phẩm từ muối. 

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Festival lần này dự kiến sẽ có các hoạt động chính, gồm: Lễ Khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025; Khu vực với khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, các sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến; Các hội nghị, hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; Các sự kiện bên lề; Lễ Bế mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025. 

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!