Hậu cần nghề cá ở Trường Sa Kỳ II: Bác sỹ ở Trường Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Quân chủng Hải quân đã thống kê một danh sách dài về những ngư dân được quân y đảo Trường Sa cấp cứu. Trong đó phần lớn là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.

Cấp cứu về Trường Sa

Cuối năm 2011, thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, Hội gofl nữ Việt Nam đã tặng cho đảo Trường Sa Lớn một máy X quang di động kỹ thuật số hiện đại, một máy xét nghiệm bán tự động, máy cắt đốt cao tần phục vụ phòng mổ, một máy phát điện. Đó là một trong những tổ chức đã đóng góp các thiết bị y tế cho đảo Trường Sa. Hiện nay, các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây đều có cơ sở khám chữa bệnh với nhiều thiết bị hiện đại. Các bác sĩ trên đảo có thể phẫu thuật trung và tiểu phẫu.

Thực tế trong thời gian qua, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi đi hành nghề, nếu bị đau ốm đột xuất thì thường được các y bác sĩ trên đảo cứu chữa tận tình. Ngư dân Nguyễn Hải cho biết, có nhiều chuyến đi biển, tàu có người đau nặng là lập tức chạy về đảo Trường Sa Lớn để cấp cứu. Ngư dân vừa có mặt là bộ đội ra giúp liền.

Gần đây nhất là vào ngày 13/3, ngư dân Lê Phấn (SN 1962) và ngư dân Mai Xuân Hòa (SN 1984), cùng quê huyện đảo Lý Sơn, đã bị thương nặng trong khi đi hành nghề ở quần đảo Trường Sa. Tàu ngư dân đã đưa họ vào đảo, Bộ đội Hải quân đã sơ cứu ban đầu và liên hệ với lực lượng không quân sử dụng trực thăng đưa vào đất liền cứu chữa kịp thời.

Ngư dân Nguyễn Tấn Lạt cho biết, tàu của ông đã nhiều lần được Bộ đội Trường Sa giúp đỡ

Ông Nguyễn Tấn Lạt, một thuyền trưởng ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn kể lại, tàu ông đi làm liên tục bị nạn, có lần trên tàu có một ngư dân đau ruột thừa. Vậy là chạy vô đảo Trường Sa gởi cho anh em bộ đội, còn phần mình thì tiếp tục chạy ra biển làm ăn. Vài ngày sau tàu quay vào đảo đón ngư dân đã được phẫu thuật. Một lần khác, ngư dân trên tàu của ông Lạt bị dây hơi đập vào người gây thương tích nặng. Vừa chạy tàu vào đảo Trường Sa, các ngư dân vừa liên lạc với chỉ huy trên đảo. Khi tàu vừa cập bến đã gặp anh em hối hả đưa băng ca ra tận nơi đón, chạy nhanh vào đảo để điều trị.

 

Thầy thuốc như mẹ hiền

Về đất liền, các ngư dân luôn nhắc đến những nghĩa cử của các bác sĩ khoác áo lính: Nguyễn Hà Ngọc, Vũ Đăng Quyền, Bùi Văn Chung, Hoàng Văn Hùng, Cao Thống Nhất… Đối với ngư dân, quần đảo Trường Sa vừa là mảnh đất máu thịt, vừa là nơi có những bác sĩ họ mang ơn suốt đời. Theo các ngư dân, bác sĩ trên đảo Trường Sa luôn thực hiện đúng phương châm “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Tàu ngư dân ra Trường Sa

Bên cạnh việc cứu chữa cho các ngư dân, danh sách ngư dân được Hải quân cứu nạn cũng khá dài, trong đó phần lớn là các tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, tàu QNg 95263 TS của ông Nguyễn Tấn Lạt, trên tàu có 28 ngư dân bị trôi trên vùng biển Trường Sa; tàu QNg 95825 TS của ông Nguyễn Thành Được, trên tàu có 30 ngư dân đi hành nghề câu mực bị trôi trên vùng biển Trường Sa từ ngày 12/4/2011. Lực lượng Hải quân đã điều động tàu HQ 631 tìm kiếm. Sau 2 ngày đêm, các ngư dân đã được cứu vào đảo Song Tử Tây an toàn.

Những năm trước đây, khi nhổ neo ra Trường Sa hành nghề đánh cá, bên cạnh lương thực phục vụ cho ngư dân đoàn tàu, thuyền trưởng và các ngư dân bao giờ cũng dành một góc hầm để riêng quà cho chiến sĩ Trường Sa. Quà lúc đó chủ yếu là rau xanh. Đảo Trường Sa giờ đã có thể tự trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ. Món quà xa xỉ của đất liền so với ngày trước đã thay đổi nhiều. Mỗi khi ra khơi, các ngư dân mang theo báo chí và các loại thực phẩm tươi sống như: chó, gà, vịt, bánh kẹo mang hương sắc của quê hương núi Ấn sông Trà tặng cho chiến sĩ giữ đảo Trường Sa.

>> Một chiến sĩ ở Trường Sa từng kể, khi thấy những con tàu mang dòng chữ QNg xuất hiện, lính đảo bao giờ cũng giơ tay “xin chào đồng hương Quảng Ngãi”. Bởi họ đã quá quen với những con tàu bám biển Trường Sa hơn 25 năm qua.

Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!