Mấy chuyến biển gần đây, ngư dân khai thác vùng biển Tây – Nam thất mùa, rớt giá, trong tình hình dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu, nên ngay từ bờ ngư dân đã gặp rất nhiều khó khăn.
Thất mùa
Ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu) ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có 17 chiếc tàu hành nghề lưới đèn, câu mực, trông đèn. Lão ngư Tư Biểu nói: “Thất ba chuyến liên tiếp rồi, không đủ chi phí. Tàu trông đèn kết hợp với câu mực còn thu hoạch được chút đỉnh, 3 chiếc tàu hành nghề lưới đèn lỗ gần 1,5 tỷ đồng suốt 3 chuyến biển gần đây”.
Chủ Doanh nghiệp tư nhân Đức Thành, ông Đặng Thành, ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc, kinh doanh xăng dầu, sửa chữa cơ khí và 4 chiếc tàu khai thác biển nói: “Theo tôi, thị trấn Sông Đốc có khoảng 50 – 60% tàu đánh bắt biển lỗ vốn, do thời tiết biến đổi, sản lượng khai thác ít và giá sản phẩm giảm”.
Thô sơ chuẩn bị lưới đi biển – Ảnh: Sáu Nghệ
Ông Liên Văn Lợi, chủ đoàn 4 chiếc tàu thu mua, dịch vụ nghề cá ở cửa biển Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết: “Tôi có 4 chiếc tàu lớn, mua cá vùng biển Tây – Nam không có hàng hóa nên phải đưa 2 chiếc sang Biển Đông tìm mua cá. Ba tháng gần đây, nghề khai thác biển thất mùa, giá cá giảm nên khó chồng khó”.
Giá cá tại cửa biển Sông Đốc và cửa biển Gành Hào sụt giảm. Chủ vựa cá Quốc Đạt ở thị trấn Sông Đốc cho biết, các các loại cá chế biến chả cá xuất khẩu còn 11.000 đồng/kg (giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg), mực khô 310.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg), cá thu 80.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg)…
Ông Võ Hữu Chí, Giám đốc Cảng cá Sông Đốc nói: “Chưa năm nào, nghề khai thác biển nhiều cái khó như hiện nay. Sản lượng khai thác giảm sút do ngư trường cạn kiệt, giá tôm cá giảm, khó khăn càng khó khăn. Bà con đưa tàu ra biển khai thác nhưng phải vay mượn vốn, nợ chồng nợ”.
Cảng yếu
Cà Mau có đoàn tàu khai thác biển hơn 3.000 chiếc, trong đó hơn 1.000 tàu có công suất mạnh, trọng tải lớn, có khả năng khai thác xa bờ. Ngư dân cửa biển Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc có gần 1.200 chiếc tàu khai thác biển thì đến 60% tàu có khả năng khai thác xa bờ, bám biển dài ngày.
Tuy nhiên, Cảng cá Sông Đốc – cảng cá duy nhất ở Cà Mau, quá nhỏ bé, cầu đường vào cảng yếu nên chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Cảng cá Sông Đốc có cầu cảng 100m, chỉ cho phép 4 chiếc tàu vào cảng. Cửa biển Sông Đốc tiếp nhận tàu khai thác biển của tỉnh Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL, miền Trung. Ông Nguyễn Văn Tý – một ngư dân thuê mặt bằng tại Cảng cá Sông Đốc để sửa chữa cơ khí, nói: “Chật hẹp quá, không tổ chức sản xuất kinh doanh lớn, vì thiếu đất”.
Cảng cá Gành Hào quá nhỏ nên tàu đánh cá về tìm chỗ đậu dọc đê biển, ở cửa vào cảng
Vùng ven biển Bạc Liêu, Cảng cá Gành Hào không thể đáp ứng đoàn tàu hơn 1.200 chiếc của Bạc Liêu, với diện tích 1,4 ha, chỉ cho phép 6 tàu vào cảng cùng lúc. Trong khi đó, lượng tàu khai thác biển ra vào cửa biển Gành Hào hơn 600 chiếc. Ông Phạm Văn Minh, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Gành Hào cho biết: Hiện nay, lượng tàu ra vào cảng 170 chiếc/tháng, quá tải.
Ông Liên Văn Lợi, chủ Doanh nghiệp tư nhân Đức Lợi cho biết: “Cầu, đường từ Cảng cá Gành Hào ra quốc lộ 1A tại Giá Rai (Bạc Liêu) chỉ cho phép trọng tải xe 5 tấn lưu thông. Nếu chở đúng trọng tải qui định thì mỗi xe chỉ chở hơn 1 tấn hàng hóa vì trọng tải xe đã hơn 3,5 tấn rồi, chở ít không có lời, phải chở quá tải qui định cầu, đường. Bởi vậy, tôi phải “quen biết” cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông”.
Bơ vơ
Mới đây, hai ngư dân là anh em ruột ở cửa Sông Đốc đưa 6 chiếc tàu ra vùng biển Trường Sa. Sau gần một tháng, hai chủ tàu thì có người lời, người lỗ, nhưng đều vẫn khát khao bám biển.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho 3 chiếc tàu làm nghề lưới đèn, trông đèn kết hợp với câu mực khai thác vùng biển Trường Sa. Ba chiếc tàu của ông Bình tận dụng tàu lưới, tàu trông đèn để khai thác cá ngừ đại dương. Những lưới đầu tiên đánh bắt cá ngừ đại dương, đoàn tàu của ông thu được vài chục con cá ngừ đại dương, bán ngay trên biển 135.000 đồng/kg. Nhưng những lần bủa lưới sau, đoàn tàu của ông Bình không thể bắt được cá ngừ đại dương. Ông kể: “Bao lưới xong, thợ lặn khảo sát, cho thấy hàng trăm con cá ngừ đang trong vòng vây lưới. Khi kéo lưới, cá ngừ phá lưới, vọt ra biển ngay trước mặt mình”.
Chuyến biển vừa qua, ông Bình thu gần 1 tỷ đồng nhưng phải chi phí hơn 700 triệu đồng nên lời rất mỏng. Ông Bình nói: “Ngư dân miền Trung câu cá ngừ đại dương quá đơn giản, cần phải dùng lưới đánh bắt mới khai thác được nhiều. Tôi liên hệ với ngân hàng vay vốn mua dàn lưới mới, khoảng 800 triệu đồng, để đánh cá ngừ đại dương nhưng chưa được trả lời, cảm thấy rất bơ vơ”.
Chuyến biển vừa qua ông Huỳnh Thanh Hưng cho 3 chiếc khai thác vùng biển Trường Sa, lỗ hơn 300 triệu đồng, bởi ngư phủ chưa có kinh nghiệm, ngư lưới cụ chưa phù hợp khai thác biển sâu. Ông Hưng nói: “Nếu được hỗ trợ vốn, kỹ thuật đánh bắt, ngư cụ thì đoàn tàu ngư dân Cà Mau khai thác trên Biển Đông sẽ đông”. Ông Võ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau nói: “Chúng tôi đang tìm nguồn vốn để hỗ trợ ngư dân”.