T2, 06/07/2020 09:50

Hậu Giang: “Hên xui” với cá lóc bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá lóc bè đã giúp không ít người nuôi cá ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) “phất lên” nhờ nắm được kỹ thuật, thị trường, thời vụ thả nuôi thích hợp. Tuy nhiên, cũng có không ít người phải bỏ nghề nuôi cá lóc bè trên sông để chuyển sang các ngành nghề khác.

Cách đây khoảng 7 năm, gia đình ông Huỳnh Thành Nhứt ở ấp 5, xã Long Trị A mỗi vụ nuôi từ 20.000 – 30.000 con cá lóc. Sau mỗi đợt bán cá, trừ hết chi phí gia đình thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Nhưng hiện nay, gia đình ông đã nghỉ nuôi cá chuyển qua trồng quít do giá cá mồi làm thức ăn cho cá lóc nuôi tăng cao. Ông Hai Nhứt đúc kết: “Nuôi cá lóc bè chỉ trông chờ vào giá cả, nếu cá ngoài thị trường “hút hàng” thì người nuôi bán được giá cao, còn “dội chợ” thì các chủ bè phải bấm bụng bán cá dưới mức giá thành. Cá lóc nuôi, đầu ra tương đối khó, vì vậy muốn bán được giá phải biết đón thời cơ nhất là mùa vụ thả nuôi thích hợp không rơi vào thời điểm thu hoạch cá đồng mùa nước nổi”.

Ông Tùng bên vèo cá lóc chuẩn bị thu hoạch.

Anh Phan Ngọc Châu, ở ấp 8, xã Long Trị vào năm 2007 cũng từng nuôi cá lóc bè trên sông, nhưng do thua lỗ, anh đã nghỉ nuôi một thời gian dài. Từ khi giá cá tăng lên, gia đình anh đã bắt đầu thả nuôi lại 13.000 con cá lóc bằng hình thức vèo trong mương. Anh Châu cho biết: “Hiện nay, cá lóc khó nuôi hơn trước vì nguồn nước bị ô nhiễm từ thuốc hóa học do người dân sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp thải trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, thời tiết bất thường vào những năm gần đây làm cho cá dễ bị nhiễm bệnh và chết nhiều hơn trước. Trong khi giá cá mồi liên tục tăng, người nuôi cá lóc không thu được nhiều lợi nhuận nên làng bè ở đây bây giờ chỉ còn thưa thớt người nuôi cá”.

Ông Hồ Thanh Tùng, ở ấp 8, xã Long Trị có thời gian gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lóc vèo trên sông và cũng ăn nên làm ra nhờ vào nghề nuôi cá lóc. Hiện nay, ông nuôi với diện tích khoảng 300 m2 mặt nước và chia ra làm nhiều vèo để nuôi cá lóc. Ông Tùng cho biết: “Qua nhiều năm kinh nghiệm, nuôi cá lóc cũng rất đơn giản, con giống thì gia đình tự ương nên đỡ tốn chi phí. Thức ăn hàng ngày cho cá, chủ yếu là cá tạp và cá rô phi là chính. Nếu không đủ mồi tươi sống thì sử dụng thức ăn công nghiệp, nhưng cá vẫn phát triển bình thường”. Sau thời gian nuôi khoảng 4 tháng, cá đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con là có thể bán được. Hiện nay, đầu ra cho cá lóc bè (cá lóc đầu vuông, cá lóc bông) rất thuận lợi vì thương lái đến tận bè cá để thu mua với giá 43.000 đồng/kg.

Trung bình khoảng 4 tháng nuôi, ông cho thu hoạch một lần, mỗi đợt xuất bán từ 6 – 7 tấn cá, thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Với giá cá tạp từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, còn thức ăn công nghiệp khoảng 20.000 đồng/kg, nếu tính hết chi phí trong quá trình thả nuôi, người nuôi cá thu lợi nhuận vụ khoảng 8.000 đồng/kg cá lóc. Tuy nhiên, theo ông Tùng, khi cá còn nhỏ khoảng 1 tháng tuổi thì thường bị bệnh về mang, ngoài ra khi gặp thời tiết lạnh vi khuẩn sẽ phát triển nhanh làm cho cá thường bị lở loét, đen mình, trắng đuôi… làm cho cá chết nhiều.

Theo ông Nguyễn Việt Triều, Trưởng ban Nông nghiệp Thủy lợi Môi trường xã Long Trị: Từ khoảng năm 2000, bà con xã Long Trị đã bắt đầu nuôi cá lóc vèo trên sông với số lượng lớn, có hộ nuôi cả chục bè, vèo trên sông Cái Lớn. Tuy nhiên, hiện nay trong xã chỉ còn 18 hộ nuôi chuyên nghiệp với 35 vèo tương đương 840 m2. Trong năm qua, xã đã mở nhiều lớp tập huấn để giúp người nuôi cá nâng cao kỹ thuật nuôi, góp phần hạn chế tỷ lệ hao hụt, dịch bệnh trong quá trình thả cá. Đặc biệt, xã không khuyến khích bà con nuôi cá lóc vèo trên sông vì gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Mục tiêu của xã là hướng người dân chuyển qua nuôi hầm để giữ sạch nguồn nước sinh hoạt, hạn chế tối đa sự phát sinh và lây lan dịch bệnh từ môi trường nước.

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, nuôi cá lóc bè trên sông, rạch thì khả năng rủi ro rất lớn do môi trường nước không đảm bảo, nhất là các chất thuốc hóa học do người dân làm ruộng thải xuống. Nuôi bè, lượng thức ăn tươi sống dư thừa thải ra sông sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước sử dụng của mọi người xung quanh. Thời gian qua, do thấy cá có giá, nhiều người chạy theo phong trào làm “cung vượt cầu” dẫn đến cá rớt giá, trong đó có hàng trăm hộ phải rơi vào cảnh lỗ vì cá bè và hiện nay trong số đó đã có nhiều hộ không còn nuôi cá lóc vì giá cả bấp bênh, môi trường nước bị ô nhiễm…

NGỌC YẾN

Theo Báo Hậu Giang


 
 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!