Hậu Giang: Hiệu quả nhờ mô hình nuôi ếch giống và thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nay, phong trào nuôi ếch giống và ếch thương phẩm đang phát triển khá mạnh tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Rất nhiều nông dân đã làm giàu nhờ nghề nuôi ếch.

Nuôi ếch thương phẩm không khó

Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Sơn, tại khu vực 5, phường V, TP Vị Thanh nuôi ếch trong vèo đặt trong ao mương vườn. Mô hình của ông Sơn cho thu nhập trăm triệu/năm.

Theo ông Sơn, ếch thương phẩm tương đối dễ nuôi, thời gian thả nuôi đến thu hoạch ngắn mỗi năm có thể nuôi 3 – 4 đợt. Ông Nguyễn Văn Sơn đã giăng 2 vèo nuôi ếch, thả nuôi với diện tích diện tích 150 m2 mặt nước ao mương vườn.

Nuôi ếch giống cho hiệu quả cao. Ảnh: ST

Ông Sơn cho biết, ếch giống được mua cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng con giống. Với 2 vèo nuôi, ông Sơn thả 9.100 con ếch giống. Hàng ngày, ông Sơn cho ếch ăn đúng giờ, liều lượng thức ăn đã khuyến cáo và theo dõi thường xuyên tình hình phát triển của ếch về tăng trọng. Đồng thời định kỳ sát khuẩn vèo nuôi và phối trộn men tiêu hóa vào thức ăn, để phòng và trị các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, ếch nuôi sau 60 – 90 ngày thu hoạch trọng lượng từ 4 – 5 con/kg giá bán từ 35 – 40 ngàn/kg, sản lượng thu hoạch mỗi đợt khoảng 1,2 tấn ếch thịt mỗi năm nuôi được 3 đợt tổng thu trên 110 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ếch thương phẩm trong ao mương vườn như của ông Sơn sẽ tận dụng triệt để diện tích sẵn có để tăng thêm thu nhập gia đình, góp phần phát triển kinh tế  – xã hội. Qua đó, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước.

Nhu cầu ếch giống tại địa phương cao

Khi nhu cầu nuôi lớn thì lượng ếch giống chất lượng ngày càng trở nên khan hiếm, nguồn ếch giống vận chuyển xa thường không khỏe mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi. Vấn đề đặt ra là nên có nguồn cung ứng giống tại chỗ đảm bảo chất lượng là rất cần thiết.

Ông Lê Văn Buôl (đầu tiên từ trái qua) bên bể ương ếch giống. Ảnh: Trạm Khuyến nông xã Vị Thanh

Điển hình trong phong trào này là ông Lê Văn Buôl, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Với 7 năm kinh nghiệm, kết hợp với việc học tập các tiến bộ kỹ thuật, chú đã hình thành quy trình nuôi ếch thương phẩm hiệu quả và giới thiệu cho nhiều người trong và ngoài huyện cùng áp dụng. Từ khi nhu cầu nuôi lớn, nguồn ếch giống không đủ để đáp ứng thị trường, chú đã mạnh dạn tìm hiểu và bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi ếch sinh sản. Bằng những kinh nghiệm đã có trong quá trình nuôi ếch thịt, việc chuyển sang nuôi ếch sinh sản là không quá khó với chú.

Hiện tại, ông Buôl có 10 bể ương ếch giống và 50 cặp ếch bố mẹ. Theo kinh nghiệm của ông Buôl, để ếch sinh sản tốt thì khâu chọn ếch bố mẹ là quan trọng nhất. Trong đàn ếch thương phẩm, lựa chọn những cá thể ếch bố mẹ đạt chuẩn, khỏe mạnh và tiến hành nuôi riêng cỡ 6 tháng. Ếch bố mẹ sau đó tiếp tục đưa vào mùng bạt, có mái che tối nuôi 2 tháng nữa để ếch làm trứng, chuẩn bị bố trí đẻ. Bồn đẻ được thiết kế là bể bạt với kích cỡ 4x12x0,5m. Trước khi bố trí sinh sản, cần cấp nước vào bể từ 15 – 20 cm, sau đó bố trí ếch đực và cái vào bể với tỉ lệ 1:1. Mỗi bể bố trí 25 – 45 cặp ếch bố mẹ. Sau 1 ngày ếch đẻ xong thì tách riêng ếch bố mẹ ra để tiếp tục nuôi vỗ cho sinh sản đợt sau. Trứng ếch được vớt ra và cho vào bể ấp. Khi ếch nở 3 ngày thì tiến hành cho ăn bằng thức ăn mảnh. Sau 22 – 27 ngày cho giá thể vào bể để ếch mọc chân lên trú. Sau khi ương từ 30 – 35 ngày, trứng ếch chuyển thành ếch giống thì có thể xuất bán. Trong quá trình ương nuôi phải thường xuyên diệt khuẩn trong nước ở bể bằng iodine và muối hột để phòng bệnh và giúp ếch luôn khỏe mạnh. Với giá ếch giống giao động từ 800 – 1.000 đồng/con như hiện nay, hàng năm tôi thu lãi trên 150 triệu đồng từ nguồn ếch giống.

Theo ngành chức năng địa phương, để tạo ra đàn ếch giống có chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi ếch thương phẩm không quá khó nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế. Hiện nay, phong trào này đã và đang phát triển lan rộng ra các hộ xung quanh, bước đầu đã đáp ứng một phần nhu cầu của người nuôi ếch thịt. Với sự phát triển này, hy vọng trong thời gian tới, nguồn ếch giống tại chỗ sẽ đáp ứng nhu cầu người nuôi như hiện nay.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!