Hậu Giang: Nâng tầm thương hiệu cá thát lát

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thát lát là loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng ĐBSCL, đặc biệt là khi nuôi tại vùng đất Hậu Giang thì không chỉ sản lượng đạt cao mà chất lượng thịt của cá cũng ngon hơn, đặc trưng hơn các vùng khác. Nắm bắt ưu thế đó, nuôi cá thát lát đã trở thành một trong những mô hình hiệu quả và được khuyến khích nhân rộng để xây dựng thương hiệu cá thát lát Hậu Giang.

Phát triển mạnh

Cá thát lát bắt đầu nuôi từ tháng 3 – 5. Tuy nhiên hiện nay người nuôi có thể nuôi quanh năm. Vùng nuôi tập trung tại các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy và TP Vị Thanh. Người nuôi chủ yếu nuôi trong vèo và trong ao đất. Thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.

Theo người dân, có 2 loại cá thác lát, đó là cá thát lát thường (thác lát mèo) nhỏ con, chậm lớn. Còn cá thát lát cườm (có chấm tròn như hạt cườm dọc theo vảy bụng) có con đạt trọng lượng gần 2 kg, loại này nuôi nhanh lớn, sau khoảng 4 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 400 g/con (cá thát lát thường chỉ khoảng 40 g/con). Nuôi 12 tháng, cá cườm có thể đạt từ 1 – 1,5 kg. Cá thát lát cườm ăn tạp, có thể ăn thức ăn tự chế từ nguồn cá tạp, phế phẩm nông nghiệp và thức ăn công nghiệp. Đối với người dân nuôi cá ở Hậu Giang, họ tận dụng cá tạp, ốc, phế phẩm cá tra để làm thức ăn cho cá, từ đó giảm đáng kể chi phí đầu tư.

Ưu điểm của mô hình nuôi cá thát lát là người dân thả nuôi được quanh năm, thời điểm tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, có thể nuôi kết hợp trong ruộng lúa. Ngoài lợi thế được tỉnh khuyến khích đầu tư sản xuất, nông dân còn được cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn về quy trình nuôi và cách thức phòng tránh các bệnh thường gặp nên hiệu quả mang lại rất cao.

Những năm trước tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, mô hình mới nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang triển khai với việc tư vấn về kỹ thuật kết hợp giữa thức ăn tươi sống và công nghiệp. Chỉ trong vụ đầu tiên áp dụng mô hình này, ông Trần Văn Sang (ấp 9) xã Vị Thắng đã thu hoạch 30.000 con cá thát lát sau gần 6,5 tháng thả nuôi, đạt sản lượng là 14 tấn, ở thời điểm đó thu về lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Ông Sang cho biết, việc nuôi cá thát lát có tỷ lệ rủi ro thấp do loài cá này ít bệnh, trong khi càng để lâu thì càng bán được giá và xuất khẩu được, không như một số loài cá khác.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, mô hình nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp giúp giảm chi phí khoảng 30% so với nuôi bằng thức ăn tươi sống. Điều quan trọng là bà con cần tính toán thời vụ thả nuôi thích hợp để giảm giá thành sản xuất, tăng nguồn lợi nhuận. Phía trung tâm cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình và từng bước thay thế hoàn toàn bằng nguồn thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm và sinh sản cũng giúp nhiều bà con ở Hậu Giang có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm, kinh tế hộ gia đình theo đó cũng ngày càng ổn định.

Để vị thế không thể đuối thế

Sản phẩm cá thát lát mang đặc trưng riêng là thế mạnh của Hậu Giang đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá thát lát vẫn chưa xứng với tiềm năng. Việc tiêu thụ cá chủ yếu thông qua thương lái nên không ổn định, do đó cần tăng cường tính liên kết các chủ thể trong sản xuất, phát triển các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Hậu Giang cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho chuỗi liên kết như: quy hoạch vùng nguyên liệu cá, phương thức sản xuất, nhà máy chế biến, liên kết mô hình các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị… Bởi liên kết trong sản xuất thủy sản là yêu cầu tất yếu để có thể áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Để ngành NTTS phát triển bền vững, Hậu Giang sẽ tiến tới tăng sản lượng thủy sản qua các năm. Đặc biệt chú trọng tới sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung sản xuất thâm canh các sản phẩm thủy sản chủ lực, trong đó có cá thát lát cườm.

Theo kế hoạch phát triển ngành NN&PTNT năm 2022, diện tích nuôi thủy sản tỉnh Hậu Giang là 8.650 ha, tổng sản lượng 83.000 tấn. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, để đạt mục tiêu đề ra, ngành sẽ phát huy lợi thế về nuôi thủy sản nước ngọt, tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển các loài thủy đặc sản của địa phương. Tăng cường công tác quản lý các nguồn thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước, môi trường; quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!