Nguồn lợi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là các loại cá đồng thiên nhiên vốn rất nhiều ở Hậu Giang nhưng với việc khai thác, đánh bắt vô tội vạ, tận thu từ cá bé đến cá lớn như hiện nay, nguồn lợi này đang ngày càng mai một, đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Cá non bị khai thác tận diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản – Ảnh: Ngọc Trinh
Được biết, các loại cá nước ngọt mỗi năm sinh sản một đợt vào đầu mùa mưa. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật ương cá giống, nuôi cá công nghiệp, vào mùa sinh sản cá non (loại cá nhỏ, vừa sinh sản), người dân thường tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển. Hiện nay, phong trào nuôi cá công nghiệp phát triển, cộng với thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, tăng vụ, dùng nhiều thuốc hóa học, nhiều người dân lại lén lút khai thác, đánh bắt nên khó bảo vệ được cá non, trong khi cá non chính là nguồn cá giống có vai trò tái cân bằng nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Hiện, cá non (như cá lòng ròng, cá sặc bướm, cá rô, thát lát…) tràn ngập ở các chợ tại Hậu Giang, mà không hề bị nghiêm cấm, xử lý.
Cùng với đó, việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường khiến các loại thủy sản không thể sinh sống. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời.