Hậu Giang: Nuôi cá ruộng mùa nước nổi cho hiệu quả cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều năm qua, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa của nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã chứng minh tính hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những giải pháp “thuận thiên” hữu hiệu cho bà con mỗi khi mùa lũ về.

Mô hình nuôi cá trên ruộng thay vụ lúa Thu đông đang giúp gia đình ông Nguyễn Văn Uốt, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thu nhập gần 20 triệu đồng/vụ.

Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Uốt, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã thả cá nuôi trên ruộng để thay thế sản xuất vụ lúa Thu đông (lúa vụ 3) kém hiệu quả. Ông Uốt cho biết: “Do nơi đây là vùng trũng cho nên thường bị nước ngập sâu vào mùa lũ, bà con chỉ canh tác được hai vụ lúa trong năm là Đông xuân và Hè thu, còn vụ lúa Thu đông thì bỏ đất trống. Bởi vậy, nên từ lâu rồi bà con thường thả cá nuôi để tạo thêm thu nhập”.

Theo ông Uốt, nuôi cá trên ruộng không tốn nhiều chi phí, lại không tốn công chăm sóc, mà lợi nhuận lại cao gấp đôi so với trồng lúa vụ 3 kém hiệu quả. “Hiện tôi đã thả hơn 20kg cá gồm cá mè và cá chép xuống ruộng, sau khi nuôi hơn 3 tháng thì có thể thu hoạch trên 1 tấn cá thịt. Với diện tích trên 10 công đất, nếu trúng vụ cá này, gia đình tôi sẽ đạt lợi nhuận khoảng hơn 10 triệu đồng, tính luôn cá ruộng thiên nhiên như cá lóc, cá rô… thì lợi nhuận có thể lên đến 20 triệu đồng”.

Sở dĩ, nông dân huyện Phụng Hiệp chọn mô hình nuôi cá ruộng thay lúa vụ 3 là vì lúa vụ 3 ở Phụng Hiệp sản xuất khá trễ, từ thời điểm gieo sạ đến thu hoạch thường gặp bất lợi bởi thời tiết. Trong khi cá ruộng nuôi theo hình thức quảng canh, với các loại cá giống như: cá chép, cá mè, rô phi,… không cần cho ăn, cá sẽ tận dụng rơm rạ, côn trùng trên ruộng làm thức ăn để phát triển. Cách làm này vừa gia tăng về kinh tế, vừa vệ sinh đồng ruộng cho vụ lúa tiếp theo. Bà Nguyễn Thị Xưa, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cũng thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng thay lúa vụ 3 hơn 20 năm nay, chia sẻ: “Nuôi cá này, mình thả xuống tháng đầu thì nó ăn rong rêu, 2 tháng sau thì cá ăn rơm rạ. Nuôi cá ruộng có cái lợi là nó ăn hết rơm rạ, cỏ trên đồng ít hẳn đi, rồi cá còn tạo phù sa và đất tơi xốp, gieo trồng vụ Đông xuân trúng hơn”.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, kế hoạch vụ cá ruộng năm nay toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 8.312ha, trong đó huyện Phụng Hiệp dự kiến xuống giống 5.415ha. Hiện nay, một số khu vực vùng trũng như: xã Hòa An, Phương Bình, Hòa Mỹ và một phần xã Thạnh Hòa, Tân Long, nông dân thu hoạch lúa Hè thu xong không làm lúa vụ 3 nên đã chủ động mua cá giống về thả ương trong các mương nội đồng trên ruộng. Trung bình mỗi héc-ta bà con thả nuôi từ 10-15kg cá giống. Ước tổng sản lượng toàn tỉnh đạt 3.390 tấn/năm.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi cá trên ruộng tại huyện Phụng Hiệp đang phát triển khá ổn định. Thời gian đầu, bà con cũng gặp khó khăn, nhưng đến thời điểm này người dân đã có kinh nghiệm nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ. Hiện tại, mô hình này đang mang lại nhiều hiệu quả cho bà con. Thứ nhất là ít tốn chi phí, vì khi thu hoạch lúa Hè thu xong thì bà con sẽ mua cá giống về thả, cá ăn lúa chét, rong, tảo thực vật, vì vậy mà bà con không cần cho ăn, chỉ chăm sóc trong thời gian đầu khi cá còn nhỏ. Thứ hai, khi bà con nuôi cá thay vụ lúa Thu đông, điều này giúp cắt nguồn sâu bệnh từ vụ này sang vụ khác. Thứ ba, việc nuôi cá giúp cải tạo đất khá tốt, giúp đất tơi xốp, bằng phẳng, để lại lượng phân lớn cho vụ lúa Đông xuân, giúp giảm số lượng phân bón, tiết kiệm chi phí.

Định hướng trong thời gian tới, ông Trần Văn Tuấn cho biết: Huyện Phụng Hiệp sẽ tiến hành quy hoạch những vùng trũng, thấp, không thể làm lúa vụ 3 hoặc làm nhưng gặp nhiều khó khăn để bà con thay bằng mô hình chăn nuôi cá hiệu quả hơn. Đồng thời, sử dụng các nguồn vốn theo quy định để hỗ trợ cho bà con mua thức ăn, nguồn giống ban đầu để người dân có thể đẩy mạnh chăn nuôi cá ruộng.

Theo ngành chức năng Hậu Giang, vài năm trở lại đây, diện tích nuôi cá ruộng ở tỉnh phát triển khá mạnh. Việc phát triển được mô hình này vừa giảm được rủi ro trong canh tác nông nghiệp vừa cải thiện thu nhập cho người dân.

Mai Thanh

Nguồn: Báo Hậu Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!