Xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A) thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Trong số đó phải nhắc đến mô hình nuôi ếch trong bể bạt kết hợp nuôi cá trê vàng dưới ao xả thải, mang lại thu nhập ổn định cho hộ gia đình.
Anh Toàn đạt nhiều thành công bước đầu với mô hình nuôi ếch trong bể bạt kết hợp nuôi cá trê vàng dưới ao xả thải.
Là người đầu tiên tại xã Tân Hòa thực hiện mô hình này, anh Đoàn Văn Toàn, ở ấp 6B, đã có bước chuyển đổi mang lại thu nhập cao cho gia đình, góp phần phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương.
Gia đình anh Toàn từng trồng hoa màu nhưng do thời tiết nhiều biến đổi, đất suy thoái và dịch bệnh trên cây trồng nên năng suất và lợi nhuận mang lại không cao. Từ những kiến thức, kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình học đại học, vào tháng 4-2023 anh Toàn quyết định thực hiện mô hình nuôi ếch trên bể bạt để chuyển đổi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình chỉ sử dụng diện tích nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Mỗi tấn ếch thịt trừ hết chi phí lợi nhuận thu về từ 15-20 triệu đồng.
Anh Toàn chia sẻ: “Thời gian nuôi đến khi bán ra là từ 70-80 ngày, mỗi năm trung bình có thể nuôi 4 vụ. Nguồn thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp dễ tìm mua và việc quản lý dịch bệnh cho ếch tốt hơn so với cách nuôi truyền thống trong vèo dưới ao, sử dụng thức ăn tươi sống sẽ khó quản lý dịch bệnh và thời gian nuôi kéo dài không mang lại hiệu quả cao”.
Ban đầu, anh Toàn chỉ nuôi thử nghiệm 3 bể với diện tích mỗi bể 24m2, đến nay quy mô nuôi đã tăng lên 10 bể, trong đó có 8 bể nuôi ếch thương phẩm và 2 bể ươm ếch giống. Sản lượng ếch thu về từ 300-500kg/bể.
Lợi nhuận từ mô hình tăng thêm khi kết hợp việc nuôi cá trê vàng dưới ao xả thải, anh Toàn cho biết: “Tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải ếch làm thức ăn cho cá trê và trong quá trình nuôi thường xuyên diệt khuẩn ao nuôi, xổ nội ngoại ký sinh thường xuyên và phòng ngừa bệnh cho cá. Mỗi vụ nuôi có thêm phần thu hơn 200kg cá trê, với giá hiện nay là 65.000 đồng/kg khi thương lái vào tận ao thu mua”.
Nói về những dự định trong tương lai dành cho mô hình đầy triển vọng đang thực hiện, anh Toàn cho biết thêm sẽ tiếp tục mở rộng quy mô. Xa hơn là có thể nhân rộng mô hình, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong khu vực cùng thực hiện để có thêm thu nhập, liên kết với doanh nghiệp thu mua để đảm bảo đầu ra cho người nuôi.
Với mục tiêu có thể đồng hành cùng Nhân dân trong việc cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, UBND xã Tân Hòa luôn đồng hành cùng Nhân dân trong sản xuất kỹ thuật, tích cực hỗ trợ người dân. Địa phương xây dựng hơn 90 mô hình sản xuất cho thu nhập từ 50 đến hơn 150 triệu đồng/năm, nổi bật là mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, vú sữa, chanh không hạt,… Về mô hình chăn nuôi, xã có mô hình nổi bật là nuôi dê lấy sữa, với 6 sản phẩm được chế biến từ sữa dê đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Ông Trương Sĩ Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa, chia sẻ: “Mô hình nuôi ếch trong bể bạt kết hợp nuôi cá trê vàng dưới ao xả thải do anh Toàn thực hiện đến nay đạt được nhiều kết quả khả quan, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Hội tiếp tục đồng hành cùng nông dân của xã, mong muốn có thể nhân rộng mô hình để nhiều gia đình phát triển kinh tế bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.
Thanh Ngân
Nguồn: Báo Hậu Giang