Với tiềm năng về nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, Hậu Giang đã tập trung chuyển hướng đến một nền kinh tế xanh nhằm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chăn nuôi thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Huyện, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, từng gặp khó khăn vì đất sản xuất lúa vụ Thu đông (lúa vụ 3) kém hiệu quả, nước dâng cao dẫn đến thất mùa, thu nhập không ổn định. Được sự định hướng của địa phương, ông Huyện đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang nuôi cá mè trên ruộng. Ông Huyện cho biết: “Tôi nuôi cá vụ 3 tính đến nay cũng được hơn 5 năm. Từ khi chuyển sang nuôi cá, thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên đáng kể, có khi trúng thì lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với trồng lúa. Từ đó, tôi thấy được tiềm năng của nhiều hình thức chăn nuôi so với cách trồng lúa truyền thống kém hiệu quả do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bởi vậy mà bây giờ tôi rất tích cực tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn về những mô hình sản xuất hay công nghệ mới có hiệu quả cao”.
Được biết, trong thời gian vừa qua tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tập huấn, nhằm trao đổi và nâng cao nhận thức về chăn nuôi thủy sản trong thời đại mới, cũng như định hướng phát triển của ngành chăn nuôi tiếp cận với các công nghệ hiện đại, nuôi trồng thủy sản thông minh để tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Ông Phạm Văn Sóc, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, đã có kinh nghiệm chăn nuôi cá thát lát còm (cườm) hơn 7 năm. Qua thời gian tìm hiểu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và được cán bộ địa phương tư vấn kỹ thuật, hiện ông đã chủ động được nguồn giống, thức ăn và quản lý được dịch bệnh. Ông Sóc cho biết: “Mô hình nuôi cá thát lát còm trong vèo có chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Nhờ nắm được quy trình, kỹ thuật chăm sóc nên các vụ cá của ông Sóc đạt được hiệu quả khả quan. Với hơn 1.500m2 ao vườn, ông đã đầu tư 8 vèo nuôi khoảng 100.000 con cá thát lát giống. Sau 8 tháng nuôi, thu hoạch trên 13 tấn, được thương lái thu mua với giá 68.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, ông Sóc còn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Hậu Giang là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng kinh tế khá phong phú và đa dạng, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 133.330ha (chiếm 86% diện tích tự nhiên).
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu. Hậu Giang đã và đang thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hiện toàn tỉnh tập trung chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đây được xem là một hướng đi hiệu quả để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 11.500ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 87.300 tấn.
Ông Võ Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh. Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung mở rộng diện tích nuôi thủy sản, áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Các vùng nuôi sẽ được quy hoạch và xây dựng theo mô hình công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn sinh học. Hệ thống quản lý chất lượng nước, kiểm soát dịch bệnh và xử lý chất thải sẽ được đầu tư đồng bộ, giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nâng cao năng suất nuôi.
Việc thực hiện quy hoạch sẽ mang lại nhiều kỳ vọng về sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc thay đổi tư duy và phương thức nuôi, đảm bảo nguồn vốn đầu tư, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm là những nhiệm vụ không dễ dàng.
“Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường công tác phối hợp, liên kết chuyển giao khoa học công nghệ mới đến cán bộ, hội viên, nông dân để áp dụng mang lại hiệu quả cao nhất. Qua đó, phát huy vai trò của hội viên nông dân, cổ vũ, động viên nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân, góp phần cùng thực hiện mục tiêu sớm đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước”, ông Trung chia sẻ thêm.
Mai Thanh
Nguồn: Báo Hậu Giang