Hậu Giang: Vào vụ thu hoạch cá ruộng

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, thời điểm này nông dân trong tỉnh bắt đầu vào vụ thu hoạch cá ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông xuân. Năm nay nước về sớm nên cá đạt năng suất và giá bán cao hơn mọi năm, giúp nhiều nông hộ nuôi cá ruộng có lãi cao.

Nông dân bắt đầu thu hoạch cá ruộng để gieo sạ vụ lúa Đông xuân.

Cái lạnh buổi sáng mấy ngày gần đây không làm vơi bớt đi niềm phấn khởi của bà con nông dân nuôi cá ruộng trong tỉnh. Bởi mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro bởi thời tiết như sản xuất lúa vụ 3. Đặc biệt năm nay nước lớn và giữ trên ruộng lâu hơn nên cá đạt trọng lượng cao hơn mọi năm.

Gần chục năm nay, năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa Hè thu xong, ông Trần Bé Ba, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đều thả 20kg cá giống cho diện tích 5.000m2 lúa của gia đình. Theo ông Ba, năm nay nước lên đồng sớm nên cá cũng có nhiều thức ăn. Nếu mọi năm với diện tích này gia đình chỉ thu về sản lượng cá chưa đến 300kg cá các loại. Nhưng năm nay được gần 400kg, bán hết gia đình thu về gần 6 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với năm rồi. Ông Ba cho biết thêm: “Cá ruộng chủ yếu tận dụng thức ăn trên đồng như: lúa chét, sâu rầy, phù sa để phát triển. Năm nào nước lớn cá lên đồng sớm thì năm đó cá đạt năng suất và chất lượng cao. Trọng lượng bình quân của mỗi con cá năm nay đạt hơn 1kg, cao hơn 0,2kg so với năm rồi”.

Cá ruộng năm nay không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán cũng tăng gần 30% so với mọi năm. Nếu như năm rồi hai loại cá được nuôi phổ biến trên ruộng vào mùa nước nổi là cá mè được thương lái thu mua ở mức 12.000 đồng/kg, cá chép 15.000 đồng/kg thì năm nay cá mè ở mức 18.000 đồng/kg, cá chép 22.000 đồng/kg. Riêng các loại cá khác như: rô phi, trê vàng hay các loại cá tự nhiên như cá lóc, cá sặc cũng tăng nhẹ so với mọi năm.

Bà Huỳnh Thị Ngọc, thương lái ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, đến các địa phương ở Hậu Giang thu mua cá ruộng, cho biết: “Cá loại cá chép, cá mè thu mua chủ yếu về làm chả cá. Nếu mọi năm cá đạt trọng lượng thấp, phẩm chất không đạt nên giá thu mua ở mức thấp. Riêng năm nay cá đạt trọng lượng lớn nên giá thu mua cũng có bước cải thiện hơn mọi năm”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, năm nay toàn huyện thả nuôi được 4.298ha cá ruộng, vượt kế hoạch gần 1.000ha. Đến thời điểm này, một số khu vực trong huyện nông dân đã tiến hành thu hoạch cá ruộng để chuẩn bị cho vụ Đông xuân. Toàn huyện đã thu hoạch được 1.080ha, năng suất bình quân đạt 1,1 tấn/ha, tăng hơn 300kg/ha so với mọi năm; tổng sản lượng đạt gần 1.200 tấn. Giá bán dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg (tùy loại). Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Bình quân mỗi héc-ta cá ruộng năm nay bà con đạt lợi nhuận hơn 10 triệu đồng, cao hơn mọi năm từ 2-3 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh thả nuôi được 12.901ha thủy sản, đạt 112% kế hoạch năm, trong đó diện tích cá ruộng có gần 9.000ha. Nuôi cá ruộng ngoài việc cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa Thu đông thì mô hình này còn góp phần cách ly mùa vụ, cải tạo đồng ruộng. Bởi quá trình nuôi, cá ruộng còn làm tăng độ phì nhiêu của đất, các loại cá còn ăn rong rêu, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay chi phí để diệt cỏ dại trong mùa nước.

Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi không chỉ mang lại thu nhập cho nông hộ, mà theo thời gian đã thành một nét đặc trưng của Hậu Giang. Mô hình này thành công ngoài sự thích ứng với tự nhiên, còn phản ánh được sự liên kết của nông dân, cùng nhau nuôi cá hết trên cánh đồng nên hạn chế thất thoát. Đến ngày thu hoạch, bà con cũng gom lại làm vần công cho nhau. Trong tiếng cười nói, chuyện trò không chỉ chia sẻ về thành quả của vụ cá ruộng đạt được mà còn dự tính cho vụ lúa Đông xuân tiếp theo.

T.TRÚC – D.KHÁNH

Nguồn: Báo Hậu Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!