(TSVN) – Thị trường châu Âu đóng vai trò rất quan trọng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đi vào thực thi. Tuy nhiên, thị trường này cũng không hoàn toàn là dễ thở đối với doanh nghiệp Việt Nam khi nhiều quy định nghiêm ngặt, nhất là với các sản phẩm nông thủy sản. Sự tăng hay giảm nhập khẩu của thị trường này ít nhiều đều để lại những “dư chấn” lớn. Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam lắng nghe những nhận định, phân tích của Chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh về tầm quan trọng của thị trường EU đối với tình hình xuất khẩu của nước ta.
Phóng viên: Thưa ông Đinh Trọng Thịnh, theo số liệu báo cáo hàng năm, EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với sự tiếp nhận đa dạng sản phẩm và với kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Ông có thể phân tích thêm về tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của nước ta?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta biết rằng EU là một trong những thị trường lớn với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chúng ta. Đặc biệt từ sau khi hai bên ký Hiệp định thương mại tự do thì việc xuất khẩu vào thị trường EU đã có rất nhiều thuận lợi, và từ đó EU trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong những năm gần đây, thị trường EU cũng là nơi cung cấp thặng dư thương mại cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu là các hàng điện thoại, màn hình máy tính, thiết bị công nghiệp điện tử, dệt may, da giày, các sản phẩm nông lâm thủy sản. Đó là những mặt hàng chính có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam vào thị trường EU, và cũng là thị trường chúng ta có kim ngạch xuất khẩu lớn trong tất cả các mặt hàng.
Phóng viên: Theo ông, sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, thị trường này có những biến động như thế nào và lĩnh vực xuất khẩu nào của nước ta được hưởng lợi nhiều nhất, thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực ra, sau khi Việt Nam và EU ký Hiệp định EVFTA thì tất cả các mặt hàng xuất khẩu của nước ta vào EU đều được lợi. Tuy nhiên, mức độ lợi ích đem lại cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có khác nhau. Chúng ta biết rằng, thường thì xuất khẩu nhiều sẽ đem lại lợi ích ngày càng lớn và vì thế công nghệ cũng là một trong những mặt hàng mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Nhưng nhìn vào một góc độ nào đó thì những mặt hàng này phần lớn là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và những mặt hàng cũng được lợi tương đối lớn khi mà chúng ta thực hiện Hiệp định là nông lâm thủy sản. Thực ra, chúng ta biết rằng Liên minh châu Âu đang rất cần các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cũng như các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của họ, và nông lâm thủy sản là một trong những mặt hàng được các nhà nhập khẩu châu Âu chú ý. Tuy nhiên, do việc xem xét các tiêu chuẩn về định mức cũng như các tiêu chuẩn về vấn đề thuế trong quá trình xuất nhập khẩu và các vấn đề có liên quan đến các kiểm định tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật nó tương đối khắt khe, nên thực tế những năm trước đây EU không phải thị trường mạnh của các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam. Thế nhưng, sau Hiệp định, cùng với việc Bộ Công Thương và cơ quan liên quan phổ biến các tiêu chuẩn, định mức cũng như các hạn ngạch phi thuế quan thi được xóa bỏ nên ngành nông lâm thủy sản của nước ta cũng đã thu được lợi ích tương đối lớn, khi mà chúng ta thực hiện được các tiêu chuẩn mà Liên minh châu Âu đề ra về dư lượng, nguồn gốc xuất xứ hay các yêu cầu có liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vị thế xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta sau Hiệp định này tăng lên một cách đáng kể, tốc độ tăng thường trên 20%, và nó hơn cả tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh châu Âu.
Phóng viên: EU là thị trường xuất khẩu lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng thị trường này lại có những quy định rất nghiêm ngặt khiến không ít sản phẩm nông nghiệp nước ta bị cảnh báo, đặc biệt là về dư lượng. Ông có nhận định gì về điều này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực ra, chúng ta biết rằng những quy định về tiêu chuẩn, về dư chất kháng sinh hay dư chất về thuốc trừ sâu, phân bón hóa học là một trong những đòi hỏi bắt buộc đối với việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo cho hoạt động kiểm tra, giám sát một cách đầy đủ của các cơ quan hữu quan. Nói về bảo vệ sức khỏe thì không phải chỉ Liên minh châu Âu mà có lẽ cả thế giới hiện đang quan tâm. Khi mà đời sống vật chất ngày càng cao thì việc bảo đảm an toàn sức khỏe và bảo đảm vệ sinh môi trường trở thành yếu tố quan trọng trong nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Bởi thế nên trước hay sau thì chúng ta vẫn phải thực hiện vấn đề này. Và rõ ràng việc làm giả, làm dối, phun thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu hóa học hay thu hoạch sớm hơn quy định… sẽ không chỉ bị các nước nhập khẩu mà ngay cả người dân trong nước từ chối, không sử dụng. Và có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất nông nghiệp cũng như là các nhà sản xuất nói chung phải thực hiện đúng quy trình, quy định và bảo đảm đúng an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên: Trong tháng 10, EU sẽ sang kiểm tra thủy sản nuôi của nước ta. Ngành nông nghiệp đang có những bước chuẩn bị tích cực để tiếp đón. Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông có thể chia sẻ một chút về điều này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đây là một vấn đề rất quan trọng. Thực tế từ khi hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, đặc biệt là sau khi chúng ta vào WTO thì những chuyện như kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra kỹ thuật cũng như là kiểm tra cách thức chăn nuôi, nuôi trồng các loại cây con đã được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Và kể cả họ có kiểm tra hay không thì điều này cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với người sản xuất, đó là trách nhiệm và tinh thần sản xuất vì sự an toàn của xã hội, sự an toàn của người tiêu dùng. Vì thế nên việc kiểm tra chúng ta cũng quen rồi. Nếu không có các cuộc kiểm tra mà khi có kiện cáo gì đó người ta lại sẽ cử phái đoàn đến thanh tra thì sẽ nặng nề hơn. Và vì vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản của chúng ta cũng đã có chuẩn bị, và có thói quen đối với các quy trình kiểm tra. Thực tế sẽ có những khó khăn, áp lực nhưng đồng thời là động cơ để các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản nói riêng và doanh nghiệp sản xuất của chúng ta nói chung quan tâm hơn đến chất lượng và an toàn vì người tiêu dùng, vì cộng đồng.
Phóng viên: Có thể nói, tháng 10 này sẽ có tính chất quyết định đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU. Trong trường hợp nếu kết quả cuối cùng không như ý muốn, điều này có tác động đến tình hình xuất khẩu của nước ta sang thị trường này không, thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Có và thậm chí rất lớn là đằng khác. Vì nếu người ta kiểm tra mà lại thấy rằng việc nuôi trồng thủy sản của chúng ta không đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường, đảm bảo an toàn cho người nuôi trồng cũng như đảm bảo cho xã hội, rồi cũng không đảm bảo cho sản phẩm theo tiêu chuẩn mà Liên minh châu Âu đề ra thì rõ ràng họ sẽ có sự kiểm tra rất nghặt nghèo và có thể đặt các hạn mức đối với những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn. Nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng ngay đến cái gọi là chi phí, đến khối lượng xuất khẩu vào EU. Vì thế, cũng rất cần các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý quan tâm và có trách nhiệm để giải trình cũng như thực thi đúng quy trình mà Liên minh châu Âu đã đặt ra nói riêng cũng như quy trình nuôi trồng thủy sản nói chung đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào các quốc gia.
Phóng viên: Dưới góc nhìn của chuyên gia, ngành thủy sản Việt Nam nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung cần có giải pháp gì để đảm bảo đúng quy định của EU và tránh được các đợt các đợt kiểm tra tương tự này, thưa ông?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc nâng cao chất lượng hàng hóa đảm bảo cho xuất nhập khẩu của chúng ta gia tăng một cách mạnh mẽ, đồng thời làm cho các đợt kiểm tra này trở thành công việc thông thường thì rõ ràng việc tổ chức sản xuất, chăn nuôi, cho đến việc chấp hành những quy định nhỏ nhất của quy trình chăn nuôi, đánh bắt cũng phải được các doanh nghiệp chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Để làm được điều đó, ngoài ý thức của người nông dân, của các cơ sở chăn nuôi ra thì việc rất quan trọng là sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải được tăng cường. Đồng thời phải có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân, doanh nghiệp không làm đúng theo quy định của nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như việc chấp hành những quy định của nhà nước và đối tác trong quá trình chăn nuôi sản xuất. Từ đó, chúng ta mới có thể yên tâm rằng bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai có kiểm tra, giám sát thì cũng là việc bình thường. Và rõ ràng khi chúng ta làm ăn nghiêm chỉnh, đúng quy trình thì chả có gì phải ngại, chả có gì phải sợ cả. Đấy là điều chúng ta phải làm trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hồng
(Thực hiện)