T2, 06/07/2020 09:52

Hệ thống chế biến thủy sản: Vươn lên từ khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo đánh giá của FAO, Việt Nam nằm trong số các nước có ngành thủy sản phát triển với tốc độ nhanh và hiện đang là một trong 10 nước có giá trị xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Góp phần vào thành công đó không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của lĩnh vực chế biến thủy sản vì đây là khâu trực tiếp tiêu thụ nguyên liệu của ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản và trực tiếp xuất khẩu đi khắp thế giới.

Tăng trưởng cả về lượng, chất

Với tốc độ phát triển nhanh chóng như hiện nay, ngành thủy sản đã góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người lao động và kéo theo sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của hệ thống chế biến thủy sản. Cụ thể, về số lượng, tính đến năm 2010, Việt Nam đã có 568 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Về chất lượng, cộng đồng các doanh nghiệp cũng như từng doanh nghiệp chế biến đã nỗ lực nâng cao công nghệ, đổi mới trang thiết bị và đầu tư nâng cấp nhà xưởng. Phần lớn doanh nghiệp đã áp dụng các chương trình quản lý chất lượng như HACCP, SSOP… đảm bảo được các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các yếu tố về môi trường.

Những nỗ lực đó của hệ thống chế biến khiến ngành thủy sản Việt Nam ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng được khối lượng xuất khẩu, thu về hàng tỷ USD và mở rộng thêm nhiều thị trường trong và ngoài nước. Mặc dù mấy tháng đầu năm nay, các thị trường nhập khẩu dựng lên nhiều rào cản thương mại nhưng nhìn chung các thị trường vẫn rất thuận lợi, nhu cầu thủy sản vẫn còn cao, giá mua tăng lên đáng kể, từ 15 – 30% tùy theo mặt hàng. Đây là giai đoạn, là cơ hội để thủy sản Việt Nam bứt phá về doanh số xuất khẩu và để lĩnh vực chế biến thủy sản khẳng định vai trò của mình hơn nữa.

Hiện Việt Nam có tới 568 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu    Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Không thể phủ nhận những tồn tại

Dễ dàng nhận thấy những thành công mà lĩnh vực chế biến thủy sản đã đạt được, nhưng cũng không thể phủ nhận những mặt còn tồn tại. Chính sự phát triển quá nhanh chóng đó dẫn đến sự phát triển chưa ổn định và bền vững.

Tốc độ tăng trưởng tuy liên tục tăng cao nhưng chưa thật sự vững chắc. Hoạt động sản xuất, kinh doanh càng hội nhập càng bộc lộ rõ hơn mâu thuẫn giữa thực trạng của nền sản xuất nhỏ, phân tán với yêu cầu cao của nền sản xuất hàng hóa lớn đối với sản phẩm làm ra, trong đó có các vấn đề về chất lượng, cơ sở hạ tầng xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường xã hội… Tình trạng tiêm chích tạp chất vào nguyên liệu, lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất bị cấm trong việc bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch vẫn còn là hiểm họa, là nguy cơ nếu không ngăn chặn… Hẳn chúng ta chưa quên bài học về các lô hàng tôm và cá tra có chứa hoạt chất Trifluralin  bị Nhật Bản trả về đầu năm nay đã gây tổn hại đến hình ảnh của ngành thủy sản Việt Nam như thế nào!

 

Khó khăn cần khắc phục

Trong quá trình hội nhập và phát triển, lĩnh vực chế biến thủy sản cũng phải đối mặt với không ít “sóng gió”. Chẳng hạn như, tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra trầm trọng; Tỷ giá ngoại tệ không ổn định nên khó tính toán để sản xuất; Giá thu mua nguyên liệu quá cao trong lúc nguồn cung thiếu nên các doanh nghiệp phải đưa ra giá thu mua cao để cạnh tranh; Lãi suất vay ngân hàng ở mức cao chưa từng thấy trong những năm trở lại đây 23 – 25%/năm, giá cả vật tư, điện, xăng dầu tăng từ 15 – 30%. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao trong 6 tháng đầu năm đẩy đời sống người lao động xuống thấp, các doanh nghiệp chế biến thủy sản không có nguồn để tăng lương cho người lao động nên rất khó giữ người lao động làm việc lâu dài…

Vì thế, doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, người nuôi không dám mở rộng và đầu tư sản xuất.

Một số đề xuất để phát triển ngành chế biến thủy sản

Để ngành chế biến thủy sản có thể phát huy hết năng lực và đứng vững trên thị trường quốc tế cần phải có sự tham gia, đồng thuận của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và sự giúp đỡ của Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chế biến thủy sản.

Về phía doanh nghiệp, cơ sở chế biến cần cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, công nghệ. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cần hình thành các cơ quan tư vấn để giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất, đổi mới công nghệ; Hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, phù hợp với hội nhập quốc tế; Cần phân công quản lý ngành chế biến thủy sản ở địa phương phù hợp và hiệu quả nhất. Và cuối cùng, để các doanh nghiệp chế biến thủy sản phát triển và giải quyết được khó khăn trong năm 2011, cần phải có sự giúp đỡ từ Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ như: Tạm hoãn thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; Cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu kể cả nuôi và chế biến (phần lãi cao trên 14%/năm) nếu không vi phạm vào cam kết WTO; Cho người nuôi thủy sản vay vốn theo khả năng sản xuất với các thủ tục vay linh động để tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; Thông thoáng trong các thủ tục hành chính về nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để gia công chế biến làm hàng xuất khẩu, nhằm tận dụng công suất thiết bị và nhân công sẵn có, góp phần tăng ngoại tệ xuất khẩu; Cho phép hiệp hội ngành hàng liên quan đến sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản lập ra các quỹ bảo hiểm xuất khẩu phù hợp và cho phép hiệp hội có những quyền nhất định để loại bỏ các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn gian dối, vì lợi ích cục bộ, phá rối thị trường xuất khẩu, nhằm đảm bảo lợi ích chung cho đất nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!