Trong ao nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh, đặc biệt nuôi với mật độ cao, việc cung cấp ôxy góp phần quyết định sự thành công của cả vụ nuôi.
Tác dụng
Quạt nước và máy nén khí (gọi chung là hệ thống sục khí) hiện nay là hai nguồn cung cấp ôxy cho ao nuôi tôm. Ngoài ra, hệ thống quạt nước còn tạo dòng chảy trong ao nuôi giúp thu gom chất thải vào giữa ao, tạo hành lang sạch cho tôm bắt mồi. Quạt nước còn có tác dụng tránh hiện tượng phân tầng nước về nhiệt độ và độ mặn, tăng lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi.
Vị trí đặt máy
Vị trí và hướng của máy phải đặt sao cho tạo được dòng chảy tối đa. Máy sục khí được đặt cách chân bờ từ 3-5m. Nếu trong ao có mương dọc chân bờ thì cần đặt máy cách mương khoảng 2m.
Mỗi hecta có thể đặt từ 8 máy trục ngắn hoặc 4-6 quạt nước trục dài. Tùy vào mật độ tôm thả nuôi mà điều chỉnh số quạt nước, số cánh quạt trên quạt nước, thậm chí là lắp thêm hệ thống ôxy đáy cho phù hợp.
Quạt nước tạo dòng chảy trong ao nuôi giúp thu gom chất thải vào giữa ao, tạo hành lang cho tôm bắt mồi – Ảnh: Quốc Minh
Khi xây dựng ao nuôi tránh xây ao hình chữ nhật quá dài sẽ gặp nhiều bất lợi và chi phí cao trong việc lắp đặt hệ thống cánh quạt nhằm tạo dòng chảy tốt trong ao.
Ao nuôi phải đủ độ sâu sẽ tránh hiện tượng ao bị đục do quạt nước làm ảnh hưởng đến tôm, đặc biệt là chất đáy ao nuôi nhiều bùn.
Vận hành hệ thống
Việc vận hành hợp lý hệ thống cung cấp ôxy sẽ giúp người nuôi tôm giảm được chi phí về điện, dầu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Vận hành hệ thống sục khí cần chú ý những điều sau:
– Không cần vận hành các máy sục khí liên tục, nhất là giai đoạn đầu vụ nuôi khi tôm còn nhỏ.
– Thời gian hoạt động của máy sục khí dựa vào hàm lượng ôxy hòa tan, điều kiện thời tiết, khi sử dụng thuốc hóa chất, thay nước…
– Số lượng máy và thời gian hoạt động tăng dần theo thời gian nuôi.
– Đối với ao quá sâu thì có thể sử dụng kết hợp với quạt lông nhím để đưa ôxy xuống sâu hơn, đặc biệt là những nơi nuôi tôm trên cát có nhiệt độ không khí cao, độ mặn nước ao lớn.
– Tôm thẻ chân trắng có nhu cầu ôxy lớn, nhất là nuôi với mật độ cao vì vậy cần đảm bảo tối ưu lượng ôxy cho tôm phát triển.
– Theo tính toán thì 1 HP (mã lực) máy quạt nước có thể cung cấp ôxy tối đa cho 400 kg tôm, nếu dùng điện 1 kW (1,3 mã lực) cung cấp ôxy cho 500 kg tôm.
>> Trong quá trình nuôi cần đảm bảo hệ thống cung cấp ôxy cho ao hoạt động tốt, luôn có hệ thống cung cấp ôxy dự phòng trường hợp bất trắc. Đồng thời, cần quản lý tốt chất lượng nước để giảm bớt áp lực cho hệ thống cung cấp ôxy trong ao tôm. |
Đoàn Quân
>> “Cải tiến kỹ thuật nuôi tôm tại Việt Nam” Là tên của cuốn sách dày 207 trang, được biên soạn bởi KS. Vũ Thế Trụ, một người được G.S-T.S Ronald W.Hardy (Phân Khoa Thủy sản – Đại học Washington, Mỹ) nói đến trong lời giới thiệu cuốn sách, là người có nhiều kinh nghiệm thực tế, đã bỏ ra 5 năm để viết nên cuốn sách: “Cải tiến kỹ thuật nuôi tôm tại Việt Nam”. Cuốn sách bao gồm gần như tất cả các mặt của ngành nuôi tôm tiên tiến hiện nay, bao gồm từ việc sử dụng đúng đắn tôm bố mẹ, cách cho tôm đẻ và hoàn tất quá trình nuôi ấu trùng,… Sách còn bàn nhiều về cách thiết kế ao, quản lý ao, kỹ thuật cho ăn,… đến chữa bệnh và thu hoạch. Mỗi kỹ thuật đều được trình bày cụ thể, chi tiết và gắn với những thiết bị máy móc phục vụ nuôi tôm. Cuốn sách rất hữu ích cho người nuôi tôm, đặc biệt trong việc tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến, và là tài liệu hay đối với những người muốn nghiên cứu về nuôi tôm. Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. Tuấn Tú |