(TSVN) – Việc canh tác trong các bể lót bạt có dòng chảy (Jhora), được thực hiện ở các ngọn đồi ở Tây Bengal, Ấn Độ, không chỉ giúp người dân địa phương có được chế độ ăn uống lành mạnh mà còn bổ sung nguồn thu nhập cho gia đình.
Nuôi cá Jhora ngụ ý nuôi cá trong các bể nhân tạo bằng nước suối lâu năm chảy từ núi. Đó là một hình thức nuôi cá nước lạnh độc đáo ở Ấn Độ – chỉ diễn ra ở những ngọn đồi phủ đầy tuyết ở Darjeeling và Kalimpong, những khu vực thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
“Theo phương pháp này, chúng tôi chọn một khoảng đất nhỏ, thường là bên ngoài ngôi nhà và xây dựng một bể chứa tại đó. Các bể có kích thước khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sẵn có của đất. Nước được cung cấp vào bể nhờ sự hỗ trợ của các đường ống dài nối với các con suối trên đồi chảy cách bể vài mét”, ông Sarad Rai, một người nuôi cá Jhora ở Kalimpong, giải thích.
Nước ngọt từ các dòng suối địa phương chảy liên tục đến các Jhora suốt ngày đêm, giữ mức ôxy ổn định
“Nước chảy liên tục suốt ngày đêm, giúp duy trì mức ôxy. Bên cạnh đó, một cửa xả nhỏ cũng được xây dựng trong bể để đảm bảo lượng nước dư thừa được thoát ra ngoài. Nước thải ra, có chứa chất thải của cá, cung cấp nguồn thức ăn hữu cơ phong phú cho việc canh tác nông nghiệp”, ông cho biết thêm.
Ông Partha Pratim Das, Trợ lý Cục Thủy sản của Tây Bengal cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi có một khu rừng trù phú ở phía Bắc vùng Bengal đảm bảo cung cấp nước ổn định trong hầu hết các năm. Con người tôn thờ thiên nhiên, tôn thờ các nguồn nước của địa phương và bao bọc chúng bằng một bức tường ranh giới để ngăn không cho ô nhiễm. Nước cũng rất giàu khoáng chất giúp cho sự phát triển của cá. Việc cung cấp nước không bị ô nhiễm cũng giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh”.
Kích thước trung bình của các bể là 23×10 ft (1 ft = 0,305 m) và có thể lên tới 40×15 ft và thậm chí to hơn tùy thuộc vào tính chất của đất. Trung bình mỗi Jhora được thả 1.000 con.
Ông Bijoy Damean Gurung, một chuyên gia huy động cộng đồng cho Disha – một tổ chức phi lợi nhuận đã thực hiện dự án, cho biết: “Chúng tôi cũng cung cấp 150 con cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ và cá trôi Ấn Độ (rohu) cho người dân. Cá được cho ăn bằng thức ăn sẵn có. Mục đích là để thu hút người dân địa phương theo hướng nuôi Jhora. Kể từ đó, chúng tôi đã phân phối 150 con cá giống mỗi năm”. “Chúng tôi cho cá ăn phân hữu cơ, lúa mì và cám gạo. Cá trắm cỏ phải mất khoảng 6 tháng để đạt 1,5 kg trong khi cá chép thường tăng lên 0,5 kg trong cùng thời gian đó. Chúng tôi thả khoảng 150 con cá/bể. Thiết bị thì bao gồm cần câu, lưới, ống cấp nước và nắp đậy trên các cửa xả để đảm bảo cá không thoát ra ngoài. Chúng tôi cũng rắc hỗn hợp vôi và kali để giữ cho cá sạch bệnh sau mỗi 15 ngày”, anh Bimal Rai, một nông dân ở Lower Menchu Sakyong, huyện Kalimpong, chia sẻ.
Tuy nhiên, Dự án đã gặp phải một số bất lợi nghiêm trọng khi các loài như cá rô phi và cá trôi Ấn Độ không thể thích nghi với điều kiện lạnh giá khắc nghiệt của vùng đồi trong mùa đông. Bà Khomadevi Chhetri, một nông dân ở làng Sakyon, huyện Kalimpong cho biết, bà đã thả khoảng 150 con cá rô phi trong năm 2021 nhưng 80 con đã chết hồi tháng 12 năm ngoái. Ngoài tỷ lệ chết cao, cá còn mắc các dị tật khác nhau, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế cho một số người nuôi.
Trước những hạn chế trong phương thức sản xuất trên, ông Partha Pratim đã nghĩ ra một phương pháp nuôi cá mới gọi là “mô hình Kalimpong” để giảm thiểu tỷ lệ cá chết trong nuôi Jhora.
Gần đây, nhiều người dân, đơn vị đã áp dụng “mô hình Kalimpong” để giảm thiểu tỷ lệ cá chết trong hệ thống Jhora. Ảnh: TFS
“Chính quyền tiểu bang, trên cơ sở đề xuất của chúng tôi, đã xây dựng một ngôi nhà đa năng làm bằng các thanh sắt và các tấm polythene màu xanh lam. Bể PVC bên trong bể poly có mật độ thả 5.000 cá giống”, ông nói.
Trong mô hình này, 4.000 con cá giống đã được thả, chủ yếu là các loài địa phương như cá hồi vân và những loài khác như các năm trước và tỷ lệ chết chỉ khoảng 5%. Chúng được cho ăn chủ yếu bằng thức ăn viên nổi, với khẩu phần ăn khởi động (0,8 mm) và cho con trưởng thành (cỡ 2 mm). Nước đồi dưới 20oC đầu tiên được chứa trong bể chứa và sau đó được thả vào bể cá qua vòi hoa sen để duy trì mức ôxy.
“Chúng tôi đã xác định được 90 hộ ưu tiên và xây dựng 9 căn nhà đa dạng cho họ. Các bể xi măng thông thường có khả năng chứa tối đa 16.000 lít nước, trong khi những bể này có thể chứa 20.000 lít. Các bể xi măng cũng phát sinh các vết nứt sau một vài năm, nhưng đây không phải là vấn đề đối với bể poly”, ông Pratim kết luận.
Tuy nhiên, nhiều nông dân Jhora tin rằng ao của họ – và cách sống của họ – có tương lai. “Miễn là những ngọn đồi của chúng tôi cung cấp nước tự nhiên cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không phải bận tâm về sức khỏe của mình. Chúng tôi có cá để thưởng thức và thiên nhiên để thờ cúng. Những ngọn núi muôn năm”, nông dân Rai cười nói.
Linh Linh
Theo Thefishsite