(TSVN) – Tôm nước lợ là một trong những đối tượng nuôi, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của cả nước. Diện tích và sản lượng tôm nuôi hàng năm đều tăng, tuy nhiên hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đối tượng này rất đáng lo ngại. Bởi nó không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn khiến cho nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị cảnh báo nghiêm trọng.
Theo nhiều chuyên gia, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có xảy ra nhưng không lây lan rộng, tuy nhiên, dịch bệnh cũng đã tác động không nhỏ đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi. Trong khi đó, hiện một số mầm bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, phân trắng và nhất là nguồn bệnh từ EHP vẫn còn lưu hành tại hầu hết các vùng nuôi. Đây là mối nguy lớn của ngành tôm.
Khâu nuôi không kiểm soát chặt, xuất khẩu tôm sẽ gặp khó. Ảnh: CTV
Dịch bệnh cũ vẫn luôn treo lơ lửng, chưa có giải pháp triệt tiêu hoàn toàn thì mới đây, TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết “có nghe thông tin xuất hiện 1 con vi khuẩn mới gây bệnh trên tôm post, nguy hiểm gấp cả nghìn lần con gây bệnh EMS”. Đáng ngại là loại vi khuẩn mới này được xác thực là hiện chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả. Điều này giống như “quả bom hẹn giờ” với lĩnh vực tôm nuôi.
Dịch bệnh luôn tiềm ẩn, giải pháp khắc phục triệt để vẫn chưa có, vậy nên, không khó để lý giải nguyên nhân vì sao người nuôi tôm chưa thoát khỏi lệ thuộc vào các sản phẩm hóa chất, kháng sinh trong quá trình sản xuất. Bởi nếu không, “canh bạc” họ đánh sẽ tất thua. Và như thế, cũng dễ hiểu sẽ vô cùng khó khăn cho việc để các lô hàng tôm xuất khẩu thoát cảnh báo.
Theo số liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, 8 tháng đầu năm 2023, có 25 lô hàng tôm xuất khẩu bị cảnh báo, tăng 92% so cùng kỳ năm 2022 (13 lô cảnh báo). Trong số 25 lô hàng bị cảnh báo: có 20 lô bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh; 4 lô cảnh báo chỉ tiêu bệnh thủy sản; 1 lô chỉ tiêu vi sinh. Các lô hàng tôm cảnh báo nhiều ở các thị trường Nhật Bản (12 lô); EU (7 lô); Australia (4 lô); Hàn Quốc (2 lô).
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, 9 tháng đầu năm 2023, tình hình vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản xuất khẩu có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt các trường hợp bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh tại các thị trường nhập khẩu đã chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lô hàng bị cảnh báo. Cụ thể, đã có nhiều thị trường (EU, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản) cảnh báo lô hàng tôm xuất khẩu của nước ta, với các chỉ tiêu/mối nguy như: Malachite green/Leucomalachite green; AOZ; Ciprof loxacin; Doxycycline; Oxycycline; Sulphite; Vibrio spp. Sản phẩm chủ yếu là tôm nuôi, tôm đông lạnh và tôm thẻ chân trắng đông lạnh.
Hiện nay, Cơ quan thẩm quyền EU đã áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh và không có biện pháp khắc phục hiệu quả (áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường bao gồm lấy mẫu kiểm tra thực tế từng lô hàng), đồng thời đề nghị cơ quan thẩm quyền Việt Nam xóa tên cơ sở khỏi Danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU.
9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta vẫn thấp hơn đáng kể so cùng kỳ năm trước. Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của sự suy giảm này bên cạnh yếu tố sức mua của thị trường, còn có việc các quốc gia nhập khẩu lớn áp dụng yêu cầu mới về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tăng cường việc thanh tra tại quốc gia xuất khẩu.
Trong khi đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, tình trạng cảnh báo lô hàng lây nhiễm hóa chất, kháng sinh chủ yếu do việc lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, việc nhận diện, thực hiện kiểm soát tại cơ sở chế biến bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Trước tình huống cảnh báo tăng cao, Bộ NN&PTNT đã gấp rút chỉ thị cơ quan thú y tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm các hành vi buôn bán, phân phối hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản, thuốc thú y thủy sản chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan điều tra, xử lý triệt để các vi phạm sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc thú y thủy sản chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam…
Trong một thời gian dài, thị trường Nhật Bản quyết định kiểm soát 100% lô hàng xuất khẩu thủy sản của nước ta. Và hiện vẫn còn không ít thị trường “để ý” các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ nước ta. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí mà còn làm danh tiếng của sản phẩm thủy sản Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là trong thời kỳ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặc biệt quan tâm. Thế nên, nếu vấn đề trong từng khâu không thể giải quyết, nguy cơ cả chuỗi giá trị phải gánh hậu quả.
Phan Thảo