T2, 06/07/2020 12:03

Hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là mục tiêu của hội thảo được tổ chức vào sáng ngày 10/12 tại tỉnh Quảng Ngãi; do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi tổ chức.

trung tâm khuyến nông quốc gia

Gắn “mắt thần” cho ngư dân

Năm 2015, dự án đã chuyển giao đến ngư dân các công nghệ hiện đại trong đánh bắt hải sản. Đó là những công nghệ tiên tiến mà các nước trên thế giới đang sử dụng. Nhìn chung là ngư dân sử dụng công nghệ này thì đã theo kịp các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Na Uy, Mỹ…

Một trong những thiết bị mà ngư dân có nhiều ý kiến phấn khởi, đó là máy dò ngang sử dụng sóng siêu âm với dải tần 50 Hz để dò tìm đàn cá. Máy dò này có tầm quét với bán kính 1.000 – 2.000 m xung quanh tàu. Máy thế hệ mới nên góc quét 45 độ, tốc độ quét nhanh hơn máy 10 độ gấp 4 – 5 lần. Từ đó, giúp cho ngư dân bám theo được các đàn cá lớn có tốc độ di chuyển nhanh.

Ngư dân Nguyễn Văn Vinh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là người được trang bị máy dò ngang Koden KDS – 6000 BB để làm nghề lưới vây. Kết quả đánh bắt, tàu của anh Vinh luôn đạt năng suất cao, phiên biển được rút ngắn. Theo báo cáo của chủ các mô hình, khi chưa có máy dò ngang thì mỗi chuyến biển kéo dài 10 – 25 ngày, số mẻ lưới đánh 1 – 3 mẻ/ngày, sản lượng đánh bắt 9 – 11 tấn cá các loại. Sau khi lắp đặt máy dò ngang, sản lượng đánh bắt đạt 17 – 20 tấn, tăng trên 50%, chi phí nhiên liệu giảm trên 25%.

Chứng kiến tàu có máy dò ngang khai thác thủy sản khá thành công, ngư dân tại địa phương đã nhận thức được việc áp dụng công nghệ điện tử đánh bắt là điều sống còn của nghề biển trong tương lai. Vì một máy dò quét có thể hỗ trợ cho 2 – 3 tàu cùng tìm luồng cá đánh bắt. Do đó, nhiều hộ đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư mua sắm máy dò quét để đánh bắt. Tuy nhiên, giá thành của máy dò quét khá cao và chỉ phù hợp với nhà giàu. Hiện, ngư dân mong muốn được nhà nước hỗ trợ để mua sắm máy dò quét để hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, DK1.

hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ

Hiện đại hóa đội hình đánh bắt xa bờ giúp ngư dân làm giàu – Ảnh: LVC

 

Tủ lạnh bảo quản cá

Dự án đã triển khai mô hình trình diễn 16 hầm bảo quản sản phẩm bằng ứng dụng vật liệu PU foam trên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo báo cáo của các địa phương, hầm bảo quản đã giúp ngư dân nâng cao thời gian bảo quản sản phẩm trên biển 6 – 7 ngày đêm lên đến 20 ngày; chất lượng bảo quản sản phẩm tốt, nâng hiệu suất sử dụng nước đá lên trên 95%, giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 15%.

Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Ninh Thuận cho biết: “Hầm bảo quản sử dụng cho thấy rất ít tốn đá lạnh, bảo đảm kinh tế, bền, dễ làm vệ sinh, tăng tuổi thọ cho hầm cá. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trang bị thêm cho ngư dân địa phương một mô hình bảo quản hầm lạnh ứng dụng vật liệu PU foam”.

Theo các ngư dân địa phương so sánh thực tế, hầm làm bằng xốp trắng truyền thống, tuổi thọ chỉ đạt 3 – 4 năm. Vì các vật liệu này sẽ dần hút nước và không bảo ôn được nhiệt, sau 4 năm thì hầm không giữ được nước đá. Bình quân 3 ngày thì lượng đá tiêu hao 30%, 7 ngày tiêu hao 50 – 60% và khoảng 10 ngày thì nước đá trên tàu chảy hết.

Hầm sử dụng vật liệu PU foam thì cá bảo quản trên 20 ngày vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi đưa cá vào bờ thì lượng đá trong cá vẫn còn lại trên 50%. Bên cạnh đó, tàu sử dụng vật liệu PU Foam thì sẽ trở nên chắc chắn, kín nước hơn, giúp kéo dài tuổi thọ của vỏ tàu. Vì khi đóng tàu vỏ gỗ, PU foam được bơm vào khoảng trống của vỏ tàu nên làm cho hầm cá kín nước và vỏ tàu khô ráo.

Qua trao đổi với các chủ tàu cá ở huyên đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay phần lớn ngư dân đã áp dụng phương pháp bảo ôn bằng vật liệu mới nên yên tâm trong những chuyến biển dài ngày.

 

Đưa “vệ sĩ” lên tàu

Theo báo cáo, dự án đã lắp đặt 22 máy ra đa hàng hải, 9 máy thông tin liên lạc cho tàu cá của ngư dân. Với họ thì ra đa chính là vệ sĩ trên các tàu đánh bắt xa bờ để bảo vệ tàu và ngư dân.

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 29.500 tàu cá; trong đó, 905 tàu có công suất từ 90 CV, 100 tàu có công suất 250 CV trở lên và đi đánh bắt xa bờ. Nhờ được dự án trang bị ra đa hàng hải, ngư dân khi đi đánh bắt đã xác định được vị trí của các vật xung quanh để dẫn tàu đi an toàn. Nhất là khi tàu vào các luồng lạch, đảo nhỏ, nơi có nhiều gò đá nguy hiểm, bãi cạn.

Khi tàu hành trình trong điều kiện sương mù, mưa to gió lớn, tầm quan sát hạn chế thì nhờ ra đa dẫn đường. Bên cạnh đó, ngư dân đánh bắt khi neo tàu ngủ trên biển thì có thiết bị ra đa cảnh báo. Khi các tàu vận tải hoặc tàu cá khác hành trình vào phạm vi gần tàu và gây nguy hiểm thì nhờ hệ thống ra đa cảnh báo nên có rất nhiều trường hợp bà con đã cho tàu né tránh kịp thời.

Ngoài ra, ra đa còn hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý các ngư lưới cụ như: nghề lưới rê, câu vàng, nghề lồng bẫy thường bị mất do tàu hàng tàu lưới kéo đi. Hiện, ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã có 50 máy ra đa được trang bị trên tàu cá.

>> Ông Kim Văn Tiêu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Dự án “Xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ” triển khai ở các tỉnh miền Trung đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời, còn tổ chức tập huấn cho 46 lớp mô hình cho 920 học viên tham gia. Tổ chức 46 cuộc tham quan tổng kết mô hình cho 1.380 ngư dân; 2 cuộc Diễn đàn @ công nghệ tại tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa và 1 cuộc hội thảo tại tỉnh Quảng Ngãi.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!