Nghiên cứu của Nguyễn Văn Kháng ở Viện Nghiên cứu Hải sản, năm 2011, cho biết: “Trình độ ngư dân: khoảng 8,4% mù chữ, 55,2% tốt nghiệp tiểu học, chỉ có 34,5% tốt nghiệp trung học cơ sở, 1,9% trung học phổ thông và 0,1% được đào tạo qua các trường đại học và trung học chuyên nghiệp”. Hạ tầng nghề cá yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ thì không cần nói nữa.
Còn tổ chức khai thác biển, theo giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2013: “Đến nay, trên cả nước đã thành lập khoảng 3.700 tổ, đội với khoảng 22.850 tàu cá/159.000 lao động và thí điểm thành lập gần 50 nghiệp đoàn đánh cá”. Số lượng này so với tổng số tàu thuyền 117.998 chiếc và gần 1 triệu ngư dân lao động trên biển vẫn còn nhỏ bé. Phần lớn các tổ, đội hiện nay chủ yếu hình thành tự phát theo gia đình, dòng họ, thôn xóm, chưa có quy chế hoạt động. Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho tổ, đội sản xuất trên biển; việc hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhìn chung còn mang tính hình thức.
Từ đó, hiệu quả khai thác biển rất thấp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, 99% vỏ tàu bằng gỗ; 85 – 90% tàu sử dụng động cơ cũ; hệ thống bảo quản sản phẩm thô sơ nên 25 – 30% hải sản đánh bắt được bị thất thoát. Tàu công suất thấp chiếm 76% nên chủ yếu khai thác ven bờ, làm cho tài nguyên biển cạn kiệt.
Đáng lo ngại nhất là quản lý khai thác biển cũng lạc hậu. Điều này thể hiện rất rõ ở việc lắp thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá. Tính đến ngày 24/6/2013, cả nước đã lắp đặt cho 1.150 tàu. Thế nhưng, nhiều thiết bị lắp cho tàu ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chưa sử dụng bao lâu đã hỏng. Ông Lê Chí Trung, Giám đốc Đài thông tin Duyên hải Huế (đơn vị lắp đặt, bảo trì và bảo dưỡng thiết bị) thừa nhận: “Thiết bị kết nối vệ tinh đang chạy bằng phần mềm phiên bản cũ nên không phát huy được tác dụng”.
Ở tỉnh Kiên Giang, đến nay mới lắp đặt được 197 thiết bị trong tổng số 407 cái do Bộ NN&PTNT cấp. Nhiều tàu đã lắp thiết bị, thường tắt mỗi khi ra biển, trong lúc những các tàu đã đăng ký lắp tiếp, nay từ chối thực hiện. Nguyên do, họ không được lợi gì từ việc lắp thiết bị mà còn phiền phức thêm.
Còn ở Malaysia mà ngư dân ta sang đó chứng kiến, lắp thiết bị kết nối vệ tinh bị giám sát hoạt động rất chặt chẽ, từ ngư trường đến sản lượng đánh bắt, tuy nhiên cũng được hỗ trợ nhiều. Chẳng hạn, mỗi chuyến biển được bán cho 20.000 – 30.000 lít dầu, giá thấp hơn giá dầu ở Việt Nam 6.000 đồng/lít. Chỉ khoản này đã cầm chắc giảm chi phí vài trăm triệu đồng. Nhưng nếu tàu hoạt động sai quy định hay tự động tắt thiết bị để tránh sự quản lý sẽ bị phạt rất nặng.
Yêu cầu hiện đại hóa nghề biển để giúp ngư dân làm ăn có hiệu quả, giữ tài nguyên biển ở nước ta đã đặt ra cấp thiết. Càng bức bách hơn trong yêu cầu làm kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia.