Hiện thực hóa thức ăn thủy sản chứa protein đơn bào

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Protein đơn bào (SCPs) Feedkind đã được sử dụng trong thức ăn thủy sản với mức độ thành công khác nhau. Calysta đã thương mại hóa Methylococcus capsulatu và liên doanh với Adisseo để vận hành nhà máy sản xuất 20.000 tấn FeedKind/năm tại Trung Quốc.

Tôm

Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) là một trong những đối tượng nuôi phổ biến nhất toàn cầu. Động lực nuôi tôm bền vững và nhu cầu kiểm soát bùng phát dịch bệnh tại trại nuôi đã thúc đẩy các nhóm nghiên cứu thử nghiệm nhiều loại protein thay thế bột cá trong thức ăn nuôi tôm. Dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đang là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người nuôi tôm. Hai nghiên cứu của Jintasataporn et al. (2021) và Chen et al. (2021) chỉ ra rằng, bổ sung 10 – 15% FeedKind làm giảm đáng kể tỷ lệ chết liên quan đến AHPND. FeedKind không ảnh hưởng tiêu cực đến các thông số tăng trưởng và độ ngon miệng của thức ăn (Chen et al., 2021, 2022; Jintasataporn et al., 2021; Longshaw et al., 2022).

Cá hồi

Vào những năm 1990 và 2000, có nhiều nghiên cứu về sử dụng BioProtein để đánh giá một loạt kết quả ở cá hồi nước ngọt và nước mặn. Cá hồi dễ dàng tiếp nhận thức ăn chứa 40% M. capsulatus và mặc dù các nghiên cứu khác nhau về phương pháp thực hiện nhưng tỷ lệ sống, và tăng trưởng của cá hồi đều không bị ảnh hưởng bởi SCP ở tỷ lệ bổ sung 19 – 30% (Skrede et al., 1998; Storebakken et al., 2004; Berge et al., 2005; Aas et al., 2006a; Glencross et al., 2022). Đáng chú ý, bổ sung M. capsulatus 30% trong thức ăn đã giúp phục hồi và ngăn ngừa chứng viêm ruột do đạm đậu tương gây ra ở cá hồi (Romarheim et al., 2011, 2013a, 2013b).

Những kết quả thử nghiệm về tăng trưởng và tiêu hóa cũng tương tự đối với cá hồi vân. Bổ sung M. capsulatus 27% không ảnh hưởng đến tăng trọng (WG), tốc độ tăng trưởng riêng (SGR), hiệu quả sử dụng thức ăn (FER) và lượng ăn vào (FI). Mặc dù, một số nghiên cứu cho rằng mức độ tối ưu M. capsulatus là dưới 12,5%. Hệ số tiêu hóa biểu kiến (ADC) đối với nitơ của cá hồi vân dao động 85 – 95%. Không có báo cáo tiêu cực nào về cấu trúc hoặc chức năng ruột của cá hồi vân.

Cá dẹt

Ngày nay, rất nhiều loại cá biển thân dẹt đã được nuôi thành công, gồm cá halibut Đại Tây Dương và cá bơn. Năm 2007, một nhóm nghiên cứu (Aas et al.) đã bổ sung 9 – 18% M. capsulatus (BioProtein) vào thức ăn của cá halibut Đại Tây Dương. Mặc dù, ở tỷ lệ bổ sung cao hơn khiến SGR, FI, và FER giảm nhưng ở mức 9% M. capsulatus thì các thông số này lại không có sự khác biệt. Ở bất kỳ tỷ lệ bổ sung M. capsulatus nào, hệ số tiêu hóa nitơ đều đạt 87%. Dựa trên nghiên cứu, mức bổ sung 9% M. capsulatus là tối ưu để thay thế bột cá.

Sản lượng cá bơn nuôi của châu Âu và Trung Quốc đạt 60.000 tấn/năm. Hoerterer et al. (2022a) đã thử nghiệm thay thế bột cá bằng protein động vật chế biến hoặc protein thực vật tại các trại nuôi cá bơn thương phẩm RAS. Nhóm nghiên cứu cũng bổ sung bột côn trùng và FeedKind ở tỷ lệ 8,75% và 13,7% vào thức ăn của cá bơn. Kết quả cho thấy, ở chế độ ăn giảm protein thực vật, bột côn trùng và FeedKind phát huy tác dụng tốt hơn so với chế độ ăn chứa protein động vật chế biến. Nhóm nghiên cứu cho rằng FeedKind có tiềm năng sử dụng trong ngành nuôi cá bơn.

Nghiên cứu thứ 2 của Hoerterer et al. (2022b) được thiết kế tương tự trên cá bơn non với mức bổ sung FeedKind 2,5%. Kết quả cho thấy cá bơn non có thể dung nạp tốt thức ăn chứa FeedKind 2,5%.

Một nghiên cứu chi tiết của Zheng et al. (2023) đã đánh giá các mức bổ sung FeedKind trong chế độ ăn của cá bơn (thay thế 100% bột cá bằng 60% FeedKind). ADC của protein thô khoảng 90% khi bổ sung FeedKind ở tỷ lệ ≤27,5%. Ở tỷ lệ FeedKind cao hơn, ADC protein thô sẽ giảm. Các thông số tăng trưởng không bị ảnh hưởng khi bổ sung FeedKind ở tỷ lệ ≤18% nhưng giảm đáng kể khi FeedKind trên 18%. Ngoài ra, chỉ cần lượng bổ sung FeedKind dưới 36% tổng số thức ăn, thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Trên mức này, khả năng chống ôxy hóa, sức khỏe của gan và quá trình chuyển hóa protein bị tổn hại.

Cá nước ngọt

Cá chép có nhu cầu protein khoảng 30 – 40%. Một nghiên cứu của Yu et al. (2022) đã đánh giá tác động của việc thay thế một nửa khô đậu trong thức ăn bằng 10% FeedKind. Kết quả cho thấy, FBW, WGR, và SGR tăng mạnh trong khi FCR giảm đáng kể khi tăng cường bổ sung FeedKind. Khả năng kháng ôxy hóa tổng (T-AOC) tăng lên khi tăng FeedKind trong khi malondialdehyde (MDA), glutamate và nitơ urê máu giảm. Những thay đổi về T-AOC và MDA cho thấy, bổ sung FeedKind vào thức ăn của cá chép làm giảm kích ứng ôxy hóa. Ngoài ra, FeedKind đã thúc đẩy quá trình hấp thụ và sử dụng glucose, trong khi thành phần axit amin cân bằng trong chế độ ăn có xu hướng làm giảm nitơ urê trong máu. ADC của protein thô và axit amin trong nghiên cứu này lần lượt là 90% và 88%.

Chama và cộng sự (2021) cho cá rô phi non nuôi trong ao ngoài trời ăn bổ sung FeedKind theo lượng tăng dần, cuối cùng thay thế 100% bột cá ở tỷ lệ 8,5%. WGR, SGR, FI, FCR và tỷ lệ sống không bị ảnh hưởng. Tác giả nghiên cứu đã đánh giá một số dấu hiệu miễn dịch, sinh hóa và enzyme trong huyết thanh và ruột cá. Kháng thể IgM, albumin và khả năng chống ôxy hóa tăng lên khi lượng bổ sung FeedKind tăng, cho thấy protein đơn bào này đã tác động tích cực đến khả năng miễn dịch. Ngược lại, malondialdehyde, nhân tố N.F.kappa B, nhân tố hoại tử khối u -α, interferon y, interleukin 10 và interleukin 16 đều giảm khi tăng FeedKind chứng tỏ cá có khả năng chống lại tình trạng viêm nhiễm.

>> Các nghiên cứu đến nay đều chỉ ra rằng, Methylococcus capsulatus là một chất thay thế phù hợp cho protein động vật và an toàn trong NTTS. Ngoài thành phần axit amin cân bằng tương tự bột cá, Methylococcus capsulatus hoạt động như postbiotic có lợi cho vật nuôi, tác động tích cực đến hệ vi sinh vật, biểu hiện gen, phản ứng viêm, miễn dịch và chống ôxy hóa cùng cải thiện tăng trưởng. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung thử nghiệm SCP ở các loài mới và khám phá tác động của phụ gia đối với quá trình sinh học ở các loài này.

Dũng Nguyên

Theo Aquafeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!