Đa phần các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền khai thác hải sản ở nước ta thường phát triển nhỏ lẻ, không tập trung, trang thiết bị chủ yếu là bán cơ giới, ít tiếp cận được với các công nghệ mới. Trình độ nhân lực và quản lý của các cơ sở hiện nay tương đối thấp, chủ yếu hoạt động theo tập quán, kinh nghiệm cha truyền con nối.
1. Đặt vấn đề
Thời gian gần đây, các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền khai thác hải sản ở nước ta được phát triển khá nhanh, cung cấp tương đối đầy đủ các dịch vụ đóng mới hoặc sửa chữa cho đội tàu cá. Tuy nhiên, trình độ công nghệ của hầu hết các cơ sở còn nhiều hạn chế, lao động chủ yếu là phổ thông làm việc theo kinh nghiệm, trang thiết bị công nghệ còn thiếu, hệ thống quản trị còn kém. Điều này đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa nghề cá. Để đáp ứng những yêu cầu cần thiết từ thực tiễn, cũng như cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, bài báo này sẽ đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ của các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền khai thác hải sản tại các cảng cá loại 1 ở Việt Nam.
Cơ sở đóng, sửa tàu thuyền
2. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu
2.1. Phạm vi nghiên cứu
Các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền khai thác hải sản tại cảng cá loại 1 ở các địa phương ven biển: Vùng I: từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; Vùng II: từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi; Vùng III: từ Bình Định đến Bình Thuận; Vùng IV: từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Bạc Liêu; Vùng V: Cà Mau và Kiên Giang.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng tiêu chí đánh giá theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN ngày 08/4/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: 1) Tiêu chí thiết bị công nghệ; 2) Tiêu chí nhân lực 3) Tiêu chí thông tin; 4) Tiêu chí tổ chức, quản lý.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Hiện trạng thiết bị công nghệ sử dụng
Các cơ sở thuộc loại hình đóng, sửa tàu thuyền tại cảng cá loại 1 ở các vùng nghiên cứu độ hao mòn thiết bị (Kh) ở mức độ thấp, trung bình dao động khoảng 14,37 – 45,90%, trong đó mức độ hao mòn cao nhất là ở vùng I, thấp nhất là ở vùng V. Trong 5 năm gần đây, chỉ có các cơ sở đóng sửa tàu thuyền của vùng I, vùng III, vùng IV và vùng V là có bổ sung thay thế và nâng cấp thiết bị công nghệ. Thiết bị công nghệ sử dụng trong các cơ sở đóng sửa tàu thuyền có mức độ đồng bộ hóa rất thấp. Các thiết bị chủ yếu là bán cơ giới, không hình thành dây chuyền chế tạo đồng bộ. Trong khi đó, chi phí năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất (Knl) tương đối thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu (Knvl) lại khá cao chiếm từ 63,02 – 93,11% tổng chi phí. Tất cả các cơ sở dịch vụ đóng sửa tàu thuyền được điều tra đều không có ứng dụng công nghệ mới. Các cơ sở này cũng chưa quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở này không được chuyển giao công nghệ mới mà chỉ đóng, sửa tàu theo kinh nghiệm truyền thống là chủ yếu.
3.2. Trình độ nhân lực
Lao động tại các cơ sở đóng sửa tàu thuyền chủ yếu chưa qua đào tạo nghề, làm việc theo kinh nghiệm, đóng sửa tàu thuyền theo các mẫu dân gian. Lao động có trình độ cao đẳng trở lên chỉ thấy xuất hiện ở một vài cơ sở thuộc vùng II và vùng III, tương ứng với 0,61% và 7,41% tại từng vùng. Tỷ lệ lao động được đào tạo cao nhất là ở vùng II với 24,31%, tỷ lệ này ở vùng I là 0%. 100% các cơ sở đóng sửa tàu thuyền đều không dành chi phí cho đào tạo nâng cao trình độ nhân lực và phát triển nghiên cứu công nghệ.
3.3. Hiện trạng thông tin
Nhìn chung, phần lớn các cơ sở đóng sửa tàu thuyền đều ít chú trọng đến hệ thống tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn vận hành và các định mức khác, bởi hầu hết đều hoạt động dựa trên kinh nghiệm. Chỉ có 33,33% cơ sở ở vùng III là có tài liệu kỹ thuật, tỷ lệ này ở vùng V là 11,11%; Tài liệu hướng dẫn vận hành chỉ thấy ở một số cơ sở thuộc vùng III, các vùng còn lại không có. Hầu hết các cơ sở đều thiếu hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chưa đáp ứng dược yêu cầu thực tiễn. Ở vùng III có 33,33% số cơ sở trang bị hệ thống mạng LAN, tỷ lệ các cơ sở có kết nối internet ở vùng I là 37,5%, vùng II là 18,18%.
Các cơ sở đóng sửa tàu thuyền đều không chú trọng đến hoạt động quảng cáo. Tổng chi phí thông tin chủ yếu là cước sử dụng điện thoại, internet và chi phí đầu tư thiết bị. Tỷ lệ chi phí mua bán, trao đổi thông tin dao động từ 0,08 – 0,33% so với tổng doanh thu.
3.4. Hiện trạng tổ chức, quản lý
Hầu hết các cơ sở đóng sửa tàu đều không có đầy đủ chiến lược phát triển về sản phẩm, thị trường, nhân sự và công nghệ. Trong khi đó, 100% các cơ sở được khảo sát đều có hệ thống quản lý nhưng chưa áp dụng theo chuẩn quản lý ISO 9001 hoặc HACCP, SA 8000, GMP. Như vậy, việc tổ chức quản lý của các cơ sở đóng tàu đều được tổ chức đơn giản, chưa chặt chẽ.
Tiêu chí bảo vệ môi trường được đánh giá thông qua thông tin liên quan đến năng lực bảo vệ môi trường, cụ thể là tiêu chuẩn xử lý chất thải ISO 14001 và tỷ lệ chất thải được xử lý đạt yêu cầu. Thống kê kết quả điều tra cho thấy, 100% các cơ sở này không xử lý chất thải theo tiêu chuẩn ISO 14001.
4. Kết luận
Đa phần các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền khai thác hải sản ở nước ta thường phát triển nhỏ lẻ, không tập trung, trang thiết bị chủ yếu là bán cơ giới, ít tiếp cận được với các công nghệ mới. Trình độ nhân lực và quản lý của các cơ sở hiện nay tương đối thấp, chủ yếu hoạt động theo tập quán, kinh nghiệm cha truyền con nối.
5. Kiến nghị
Để hướng tới nghề cá hiện đại thì các cơ sở đóng sửa tàu thuyền cần phải thay đổi quan hệ sản xuất để hình thành các mô hình tổ chức tập trung với quy mô phù hợp từng vùng miền. Nhà nước cần phải có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đóng, sửa tàu thuyền khai thác hải sản.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2014). Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN ngày 08/4/2014 về hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.
2. Nguyễn Quốc Tĩnh (2018). “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản”. Báo cáo tổng kết đề tài, Viện Nghiên cứu Hải sản.
3. ICED (2014). Điều tra năng lực sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã thủy sản và xây dựng mô hình hợp tác xã thủy sản phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ vùng biển. Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam.
4. Israel D. C & Roque R. M (2011). Analysis of fishing port in the Philippines. Philippine Institute for Development Studies, Makati city, Philippines
5. Run Yu, Lotus E. Kam and PingSun Leung (2007). The seafood supply chain and poverty reduction. Department of Molecular Bioengineering University of Hawaii at Manoa, Honolulu, USA.