Hiệp định thương mại EU – Thái Lan khiến ngành cá ngừ EU “bất an”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan đã bước sang vòng đàm phán tiếp theo và có thể tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sự việc này đã khiến ngành cá ngừ EU lo lắng.

Bất an của EU

Hiện nay EU và Thái Lan đã bước qua một số vòng đàm phán. Theo nhiều nguồn tin trong ngành, buổi họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6/2024. Trong khi một số thành viên của EU cho rằng không nên đưa cá ngừ vào điều khoản của FTA để tránh làm ảnh hưởng tới ngành đóng hộp và khai thác tại châu Âu, thì ngành cá ngừ Thái Lan đang nỗ lực tìm giải pháp “đôi bên cùng có lợi” để đưa cá ngừ vào nội dung của FTA trong các buổi đàm phán.

Chế biến cá ngừ tại Thái Lan. Ảnh: UCN

Nếu FTA giữa EU và Thái Lan được ký kết, EU có khả năng sẽ tiếp cận thị trường thủy sản Thái Lan với mức thuế 0%, bao gồm cá ngừ. Tính đến thời điểm này, cá ngừ Thái Lan xuất khẩu sang EU đang chịu thuế 24% – mức thuế cao nhất so với thế giới, sau sự việc Thái Lan bị mất quyền lợi thuế từ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của EU vào năm 2015. Hiện Thái Lan chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ cá ngừ vây vàng sang EU để phục vụ chế biến.

Thái Lan có khả năng cung cấp 600.000 tấn cá ngừ đóng hộp mỗi năm, nhưng chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu chứ không phải từ đánh bắt. Theo ước tính của Tây Ban Nha, 45% cá ngừ sử dụng trong ngành đóng hộp của Thái Lan không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh, để có thể xuất khẩu sang EU.

Điều mà hiệp hội chế biến cá của Tây Ban Nha lo lắng nhất là không thể kiểm soát được Thái Lan có tuân thủ theo các tiêu chuẩn của EU hay không, đặc biệt đối với tiêu chuẩn về vệ sinh và môi trường. Ngoài ra, có nhiều nghi ngờ cho rằng Thái Lan không thể thích ứng được với các tiêu chuẩn về lao động và quy định, bao gồm các quyền thỏa ước về lao động tập thể.

Một vấn đề khiến hiệp hội chế biến cá của Tây Ban Nha hết sức quan tâm là các điều khoản về nguồn gốc trong FTA giữa EU và Thái Lan. Họ nhấn mạnh về khả năng thiếu truy xuất nguồn gốc và việc phát sinh các lỗ hổng trong hệ thống có thể dẫn tới sản phẩm không tuân thủ chặt chẽ các quy định để thông quan vào thị trường EU, khiến hệ thống LPF bị phá vỡ. (LPF: Sân chơi công bằng cho cạnh tranh mở & công bằng và phát triển bền vững).

Phản ứng mạnh mẽ của Tây Ban Nha

Tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2024 diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha vào tháng 4, ông Roberto Alonso, tổng thư ký hiệp hội chế biến cá đóng hộp của Tây Ban Nha đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng của Thái Lan trong việc đảm bảo một sân chơi công bằng trên thị trường châu Âu. “Tây Ban Nha được coi là vựa chế biến cá ngừ của EU, Tây Ban Nha hiểu rằng Thái Lan không có các điều kiện để chứng minh bản thân có thể duy trì một sân chơi công bằng. Bây giờ họ không thể, và tương lai cũng vậy, bởi vì điều này đòi hỏi họ phải có sự thay đổi lớn trong tập quán. Vì vậy, cá ngừ không thể đưa vào trong Hiệp định thương mại tự do”, ông Alonso nói. Ngoài ra, ông khẳng định đó không là kết luận cá nhân, mà được dựa trên những phân tích tỉ mỉ về ngành chế biến cá ngừ Thái Lan.

Ông Alonso cho biết thêm, Tây Ban Nha đã yêu cầu Nghị viện EU thiết lập danh sách “các cơ sở thân thiện với môi trường” có nguyện vọng xuất khẩu sang EU. Ông lấy Việt Nam là một ví dụ so sánh. Việt Nam được hưởng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp sang EU với thuế suất 0%. Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” từ năm 2017 và cải thiện tập quán khai thác.

Bên cạnh việc “băn khoăn” về thị trường Thái Lan, hiệp hội chế biến cá của Tây Ban Nha cũng đề cập tới chính sách của EU, cho rằng EU cần đánh giá lại các chiến lược thương mại và “các sản phẩm chiến lược phòng thủ” cho tình huống sắp tới. Hiệp hội đang liên kết với các tổ chức khác của EU để tác động EU tiến hành rà soát toàn diện cách tiếp cận thương mại khi đối mặt với cuộc bỏ phiếu sắp tới và những thay đổi về chính sách có thể xảy ra.

>> Ông Roberto Carlos Alonso, tổng thư ký hiệp hội chế biến cá đóng hộp của Tây Ban Nha: "Thái Lan hầu như không có đội tàu khai thác, họ phải nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ và kết luận có tới 45% cá ngừ của Thái Lan không đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe hoặc không tuân thủ quy định khai thác IUU, do đó không đủ điều kiện xuất khẩu sang EU. Ngoài ra, chúng tôi thực sự nghi ngờ nếu Thái Lan không có sự thay đổi mạnh mẽ về văn hóa và lối kinh doanh, liệu họ có thích nghi được với các tiêu chuẩn của châu Âu!"

An Vy

Theo Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!