Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: Hiệp hội mong muốn ngư dân sẽ sớm làm chủ công nghệ câu cá ngừ của Nhật Bản. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, sản lượng đánh bắt và đặc biệt là giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Thời gian qua, việc mở rộng cách đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật Bản là tín hiệu tích cực, được kỳ vọng giúp khai thác cá ngừ đại dương phát triển. Với cách câu cá ngừ truyền thống bằng phương pháp câu vàng và câu bằng đèn cao áp, cá ngừ sau khi đưa lên tàu đã không còn giữ được sắc đỏ của thịt nên thường chỉ làm được đông lạnh hoặc đóng hộp. Do đó, Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu cá ngừ ở dạng đông lạnh hoặc đóng hộp. Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ chỉ ở mức trên dưới 500 triệu USD. Đi đầu là tỉnh Bình Định với sản lượng đánh bắt cá ngừ lớn nhất cả nước, địa phương đã mua 5 bộ dây thu cá ngừ tự động của Nhật Bản và đang thử nghiệm cách câu này. Phương pháp này với ưu điểm là khi cá cắn câu, máy thu dây tự động sẽ căn cứ trên độ căng của dây câu mà tự động thả thêm dây khi cá ngừ giật mạnh và tự động thu dây vào khi cá ngừ bơi về phía thuyền câu. Cách này giúp cho con cá ngừ không vùng vẫy trong quá trình câu, do đó thịt cá đạt tiêu chuẩn làm sushi.
Khai thác cá ngừ đại dương ở Trường Sa – Ảnh: Xuân Trường
Theo Hiệp hội, việc ứng dụng phương pháp câu theo công nghệ Nhật Bản sẽ khắc phục được những hạn chế trước đây, đảm bảo chất lượng cá. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của việc áp dụng là số tiền đầu tư cho mua sắm dụng cụ. Thời gian tới, Hiệp hội Cá ngừ sẽ tuyên truyền sâu rộng ứng dụng của phương pháp câu này tới ngư dân, giúp đem lại hiệu quả so với những năm trước.