Hiệp hội Thủy sản An Giang: Điểm tựa cho người nuôi cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệp hội Thủy sản An Giang (Afa) đã cùng hội viên tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ tuyên truyền khoa học kỹ thuật, tăng cường liên kết với nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Gỡ khó cho người nuôi cá tra

Ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Afa cho biết, trong những tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu ổn định, 22.000 – 24.000 đồng/kg, người nuôi có lãi nhưng lãi ít do giá thành sản xuất cá tra 20.000 – 23.500 đồng/kg, một số hộ nuôi chưa thật sự yên tâm tiếp tục đầu tư lại, diện tích tiếp tục đầu tư nuôi lại chủ yếu là vùng nuôi của các doanh nghiệp. Do đó, Hiệp hội đã khuyến cáo hội viên thận trọng mở rộng diện tích, đầu tư tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến các vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng…

Theo Afa, khó khăn lớn nhất của những người nuôi cá tra là cung lớn hơn cầu. Điệp khúc: Giá xuống thấp, người nuôi treo ao, khi giá lên cao, lại đổ xô tăng diện tích. Nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm không được ký kết, gây khó khăn cho người nuôi.

Thu hoạch cá tra tại An Giang – Ảnh: Ngọc Trinh

Thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp ngành Nông nghiệp An Giang và UBND huyện Phú Tân, vận động kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức lễ thả cá tái tạo, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại lưu vực sông Tiền huyện Phú Tân với tổng kinh phí hơn 587 triệu đồng (gồm 21,21 kg cá giống, cá thịt và 200 kg cá giống quý hiếm: cá hô, cá chày, mè vinh…). Mời 6 hội viên nuôi cá tra tham dự  hội thảo chuyên đề “Sử dụng sản phẩm Bayer nuôi cá tra giảm giá thành, tăng lợi nhuận” tại. Afa cũng tổ chức họp Ban thường vụ lần 4, nhiệm kỳ III (2013 – 2018), lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo để chuẩn bị họp Ban chấp hành mở rộng lần 2. Đồng thời, đề ra phương hướng hoạt động Hiệp hội năm 2015.

 

Khuyến cáo hội viên điều chỉnh sản xuất

Trước tình hình thị trường tiêu thụ còn khó khăn, Hiệp hội khuyến cáo hội viên củng cố các chi hội cơ sở; đồng thời khảo sát lại từng vùng nuôi, nhằm chủ động trong việc sắp xếp theo chủng loại, tiêu chuẩn theo từng thị trường cụ thể. Người nuôi cần áp dụng quy trình nuôi đúng kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp. Thực hiện kế hoạch quản lý môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh An Giang mở rộng thị trường nội địa để giảm áp lực xuất khẩu cá tra…

Từ giờ đến hết năm, Hiệp hội tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, từ bộ máy của Ban chấp hành và các ban chuyên trách đến văn phòng Hiệp hội theo hướng chuyên nghiệp. Phương châm đổi mới hoạt động, phát triển hội viên, lấy mục tiêu vì lợi ích hội viên làm trọng tâm hoạt động của mình. Phát triển thêm các hội viên mới trong ngành cũng như các ngành liên quan tham gia tổ chức nhằm tăng sức mạnh Hiệp hội. Tiếp tục vận động tổ chức lại sản xuất theo mô hình khép kín, nuôi công nghiệp, thâm canh, có năng suất cao nhưng tập trung vào những đối tượng nuôi có lợi thế và cạnh tranh về xuất khẩu, hỗ trợ các tổ chức cơ sở đã hội đủ điều kiện để tiến lên thành hợp tác xã, góp phần cùng ngành nông nghiệp tái cấu trúc ngành thủy sản: địa điểm sản xuất nguồn nguyên liệu tập trung, phân vùng nguyên liệu theo điều kiện, lập bản đồ theo dõi, đánh giá. Nghiên cứu khả năng, điều kiện phát triển của từng vùng nhằm kiến nghị Nhà nước kêu gọi đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp lớn…; xác định cơ cấu hiện tại cũng như lộ trình phát triển trong các năm tiếp theo và các giải pháp cụ thể.

>> Trong quý I, các doanh nghiệp chế biến thành viên Hiệp hội đã tiêu thụ trên 45.000 tấn cá nguyên liệu, bình quân 15.000 tấn/tháng. Afa phấn đấu mỗi năm thành lập mới 3 – 5 chi hội/hợp tác xã/tổ hợp tác trở lên và từng bước hướng các hộ nuôi, các doanh nghiệp chế biến, dịch vụ có điều kiện phát triển.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!