Nghề khai thác đánh bắt hải sản ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang ngày càng phát triển, ngư dân ứng dụng thành thạo máy dò ngang đã mang lại hiệu quả với sản lượng khai thác tăng cao.
Ngư dân Võ Nhành, thuyền trưởng tàu cá QNg 91842 TS, hành nghề pha xúc, là một trong hơn 100 tàu thuyền ở xã Tịnh Kỳ đã lắp đặt máy dò ngang. Tịnh Kỳ đang vào chính vụ cá cơm thì chiếc máy dò ngang này đã phát huy tác dụng. Anh Nhành cho biết: “Máy dò ngang cho phép quét đến đường kính 200 m trở lại, giúp tàu phát hiện đàn cá di chuyển từ xa. Do vậy, tàu chỉ cần đi 10 – 20 hải lý là trúng mẻ cá cơm”. Tàu ngư dân Nhành mỗi ngày thu về 2 – 4 tấn cá cơm, thu nhập 50 – 80 triệu đồng, chia mỗi thuyền viên cao nhất 3,5 triệu đồng/ngày. Nhờ có máy dò ngang, tàu chỉ cần đi xúc cá cơm từ chiều đến sáng hôm sau về bến cảng Tịnh Kỳ là kịp bán cho thương lái.
Máy dò ngang là thiết bị tiên tiến có bán kính tầm dò từ 100 – 2.000 m, cho phép quan sát 3600 trên góc nghiêng từ 0 – 900 với nhiều chế độ màn hình, phát hiện những đàn cá ở vị trí cách xa tàu, nhờ đó có phương án tổ chức đánh bắt kịp thời.
Xã Tịnh Kỳ có hơn 100 tàu được trang bị máy dò ngang và đã có 4 tàu trang bị máy dò ngang quét tròn 3600, ngư dân thường gọi máy chụp. Các tàu lắp đặt máy dò ngang chủ yếu hành nghề pha xúc, lưới vây đi khai thác vùng lộng.
Ông Phan Hữu Nhất, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ cho biết: “Các tàu hành nghề lưới vây đi xa hơn, họ đi 2 tàu, một tàu khai thác và tàu hậu cần. Cá thu về được tàu hậu cần chở vào bờ, còn tàu khai thác vẫn tiếp tục kéo dài đến 1 tháng thì trở về”.
Quá trình theo dõi đối với các phương tiện khi chưa có máy dò ngang, mỗi chuyến biển kéo dài 10 – 25 ngày, số mẻ lưới đánh từ 1 – 3 mẻ/ngày, sản lượng đánh bắt thấp, sau khi đặt máy dò ngang, sản lượng đánh bắt đạt 17 – 20 tấn, tăng trên 50% so với không dùng máy, phí nhiên liệu cũng giảm xuống.
Theo ông Nhất, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong khai thác hải sản đã giúp cho ngư dân tăng thu nhập. Toàn xã Tịnh Kỳ có trên 450 phương tiện, trong đó có hơn 200 tàu từ 90CV trở lên đánh bắt xa bờ.
Chia sẻ về những khó khăn đối với áp dụng máy dò ngang, ông Nhất cho biết, những năm đầu khi thử nghiệm chỉ có 2 ngư dân lắp đặt, có máy dò ngang, sản lượng khai thác tăng lên vì máy xác định vùng di chuyển, phát hiện đàn cá. Đến nay, đa số các tàu ở xã đã lắp đặt máy dò ngang này. Ông Nhất nói: “Xã có 60 tàu hành nghề pha xúc, hơn 30 tàu hành nghề lưới vây, các tàu này chủ yếu đánh bắt cá cơm, cá nục, cũng là nguồn lợi hải sản dồi dào khi vào mùa chính vụ đối với ngư dân nơi đây, mang lại thu nhập chính”.
>> Ngư dân Nguyễn Hoàng, chủ tàu QNg 91234 TS và ngư dân Phạm Nguyễn Thành Thắng, chủ tàu QNg 91757 TS lắp đặt máy dò ngang quét tròn, khai thác có hiệu quả, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 1 tháng, thu về 3 tỷ đồng . |
Nguyễn Trang