Đã thành nhiệm vụ thường xuyên, trong những chuyến ra khơi, các thành viên trong đoàn thuyền của các xã Giao Long, Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định) vừa đánh bắt thủy hải sản vừa kết hợp nắm tình hình hoạt động của các loại phương tiện tàu, thuyền hoạt động khai thác thủy hải sản trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện những tàu lạ của nước ngoài vi phạm chủ quyền an ninh vùng biển để thông báo cho cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Quất Lâm kịp thời đấu tranh, xử lý.
Ngư dân Bùi Xuân Trường, Đoàn trưởng đoàn thuyền xã Giao Long, Giao Hải, vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, cho biết: Đoàn thuyền có 62 phương tiện với 186 lao động đều tham gia tổ an ninh tự quản (ANTQ) và chia làm 3 tổ. Trên các phương tiện đều được trang bị máy định vị, máy bộ đàm để các thành viên trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, đồng thời có thể nhanh chóng thông báo tình hình trên biển cho lực lượng biên phòng. Theo định kỳ hằng năm, đoàn thuyền đều tổ chức những buổi sinh hoạt có sự tham dự của cán bộ Đồn Biên phòng Quất Lâm để các tổ ANTQ báo cáo tình hình trên biển. Trong những buổi sinh hoạt đó, cán bộ biên phòng đã lồng ghép tuyên truyền, thông báo tình hình và các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định, quy chế khu vực biên giới, chủ quyền an ninh vùng biển, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác và trách nhiệm của các thành viên tổ tự quản trong quá trình hoạt động trên biển. Hoạt động nề nếp, tích cực của các tổ tự quản trong đoàn thuyền của xã Giao Long, Giao Hải đã phát huy được hiệu quả thiết thực trong việc phối hợp với Đồn Biên phòng Quất Lâm giữ gìn an ninh, chủ quyền vùng biển…
Cán bộ trạm kiểm soát cống số 9 (Đồn Biên phòng Quất Lâm) tuyên truyền, vận động thành viên tổ ANTQ xã Giao Phong (Giao Thuỷ) tham gia giữ gìn ANTT trên khu vực đánh bắt thuỷ hải sản.
Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, BĐBP tỉnh đã tổ chức xây dựng mô hình ANTQ đối với các phương tiện hoạt động trên khu vực cửa sông, đầm bãi và các tàu đánh cá trên biển. Việc xây dựng các tổ tự quản được tiến hành trên cơ sở khảo sát, thống kê, phân loại các loại phương tiện hoạt động theo từng khu vực, từng loại ngành nghề và bồi dưỡng lực lượng nòng cốt (tổ trưởng, tổ phó). Các đồn biên phòng đã tham mưu với UBND các xã, thị trấn ra quyết định thành lập các tổ ANTQ, công nhận các tổ trưởng, tổ phó và phối hợp hướng dẫn các tổ hoạt động. Đến nay, các đồn biên phòng đã vận động thành lập được 35 tổ ANTQ khu vực đầm bãi, trên biển và bến neo đậu tàu thuyền với tổng số 295 phương tiện, 829 thành viên tham gia. Các đồn, trạm biên phòng đã phân công cán bộ vận động quần chúng, kiểm soát hành chính, phụ trách từng tổ, từng cụm tổ trong từng khu vực hoạt động, thường xuyên gặp gỡ trao đổi nắm tình hình, hướng dẫn các tổ hoạt động và tham gia cùng lực lượng BĐBP tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Dưới sự hướng dẫn hoạt động của các đồn biên phòng, các tổ ANTQ cũng đã xây dựng các quy ước, quy chế hoạt động cụ thể, thường xuyên hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ ANTT và chủ quyền vùng biển. Đối với các phương tiện làm ăn dài ngày trên biển, ngư dân thường xuyên thông báo tình hình trên biển bằng hệ thống thông tin liên lạc trên tàu với các đồn biên phòng, phối hợp cùng nhau bảo vệ sản xuất và xử lý các tình huống xảy ra trên biển. Đối với các phương tiện nhỏ, hoạt động chủ yếu ven bờ, theo thời vụ và đi về trong ngày, khi đi sản xuất trên biển có trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, khi về bến neo đậu, thống nhất ở một khu vực phân công lực lượng tổ chức trông coi bảo vệ tài sản kết hợp chặt chẽ với các trạm kiểm soát biên phòng và dân quân tự vệ của địa phương tuần tra, bảo vệ khu vực cửa sông, bến đậu. Đối với các hộ nuôi trồng thủy, hải sản trên khu vực đầm bãi, các thành viên trong tổ là một trong những lực lượng chủ yếu phối hợp với BĐBP trong công tác tuần tra bảo vệ tài sản, cứu nạn, phòng chống lụt bão… Thông qua hoạt động của các tổ tự quản, hằng quý hoặc 6 tháng, các đồn, trạm biên phòng đã thông báo tình hình ANTT, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quy chế khu vực biên giới biển, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá…, giúp ngư dân nâng cao nhận thức về tài nguyên biển và ý thức trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền vùng biển… Hoạt động của các tổ ANTQ đã góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển phát triển sâu rộng. Hằng năm, nhân dân cung cấp cho lực lượng BĐBP hàng trăm nguồn tin có giá trị trong công tác quản lý bảo vệ biên giới biển và giữ gìn ANTT. Trong 3 năm qua, các đơn vị BĐBP tỉnh đã phối hợp tổ chức tuần tra mép nước 2.514 lượt, kiểm soát 24.241 lượt phương tiện; phát hiện, xua đuổi 10 lượt phương tiện và xử lý 2 tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền; phát hiện, xử lý 319 vụ vi phạm trên biển; cứu hộ, cứu nạn 15 vụ (15 phương tiện) và 63 ngư dân gặp nạn trên biển…
Hiệu quả hoạt động của các tổ ANTQ trên biển, khu vực đầm bãi ven biển trong những năm qua đã góp phần tích cực cùng với các đơn vị BĐBP bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh trên tuyến biển của tỉnh và củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.