Hiệu quả nghề nuôi ốc hương

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Ốc hương (Babykibua areolata), là động vật thân mềm có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Ở nước ta, nghề nuôi ốc hương cũng đang phát triển và được coi là một trong những đối tượng có thế mạnh cần được phát huy.

 

Nuôi ốc lãi như…. nuôi tôm

Ốc hương sống chủ yếu ở môi trường có nền đáy là cát, cát bùn hoặc cát có pha lẫn vỏ động vật thân mềm, vùng đáy cát có lớp bùn mềm trên mặt. Thức ăn ưa thích của chúng là thịt tôm, động vật thân mềm, nhuyễn thể, cá tạp. Là loài hẹp muối, rộng nhiệt. Ốc hương ưa những vùng nước có độ mặn cao từ 30-34‰, nhiệt độ thích hợp từ 26-280C, pH từ 6-9, hàm lượng ôxy hòa tan >4,5 mg/l và đặc biệt là môi trường nước nuôi phải sạch.

Ốc hương có thể nuôi thương phẩm với nhiều hình thức như nuôi trong đăng, nuôi lồng, nuôi ao đất và nuôi trong bể xi măng. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và kỹ thuật mà có cách nuôi thích hợp.

Trên thị trường hiện nay, giá ốc hương thương phẩm dao động từ 180.000-270.000 đồng/kg, giá xuất khẩu từ 10-15 USD/kg và nhu cầu rất lớn vì vậy nuôi ốc hương đang trở thành nghề mang lại kinh tế cao, bên cạnh nghề nuôi tôm nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Ốc hương giống có giá khoảng từ 120-160 đồng/con, mang lại lợi nhuận lớn cho người sản xuất và ương. Nếu thả nuôi thương phẩm 1 triệu con giống trên diện tích 0,5 ha, chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì sau 4-5 tháng có thể thu hoạch 6-8 tấn, thu lãi cả tỷ đồng.

 

Đầu tư lớn, lắm rủi ro

Một người nuôi ốc hương ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: Hiện nay, để đầu tư khoảng 6.000m2, nếu thả hơn 1 triệu con giống thì người nuôi phải bỏ ra khoảng 170 triệu đồng tiền giống và khoảng 400-500 triệu đồng tiền thức ăn trong suốt chu kỳ nuôi.

Ao nuôi ốc hương ở Khánh Hòa

Do nuôi ốc bằng thức ăn tươi nên khả năng gây ô nhiễm nước là rất lớn, khi nước ô nhiễm ốc sẽ bỏ ăn, mắc bệnh và chết. Vì vậy, cần phải vệ sinh hàng ngày để đảm bảo môi trường sạch.

Ốc hương là loài dễ nhạy cảm với môi trường nên phải thả nuôi với mật độ vừa phải (tùy thuộc vào hình thức nuôi), ốc lớn hơn phải san thưa. Tránh để ốc bị sốc về nhiệt độ và độ mặn. Thay nước thường xuyên sẽ giúp ốc hương phát triển nhanh hơn.

Bệnh nguy hiểm nhất của ốc hương là bệnh sưng vòi lấy thức ăn do trùng lông gây chết hàng loạt. Để phòng ngừa bệnh này cần phải chọn con giống đồng đều khỏe mạnh, không thả giống quá bé và đặc biệt luôn giữ môi trường nước sạch sẽ và ổn định.

>> Ở nước ta, ốc hương phân bố dọc ven biển thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và đặc biệt nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu. Khánh Hòa là một trong những tỉnh sản xuất ốc hương lớn nhất cả nước với 508 trại. Năm 2011, Khánh Hòa có 229 ha ao, đìa và 86 bè nuôi ốc hương.

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!