Hiệu quả nuôi cá giò thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thời gian gần đây, cá giò được nuôi phổ biến trong lồng bè ở nhiều vùng biển trên cả nước. Chúng có tốc độ sinh trưởng nhanh, cho hiệu quả cao, hứa hẹn mang lại triển vọng đối với nghề nuôi biển ở nước ta.

Nhu cầu giống tăng mạnh

Cá giò hay còn gọi là cá bớp phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Trong tự nhiên, cá giò sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Cá giò thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật, thức ăn tự nhiên gồm cua, tôm, ốc và các loại cá con. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, từ con giống cỡ 20 – 25g/con sau 1 năm nuôi có thể đạt cỡ 4 – 6 kg/con. Cá giò thành thục lần đầu tiên sau 2 năm tuổi, mùa sinh sản của cá giò ở miền Bắc từ tháng 4 – 7 hàng năm.


Cá giò sinh trưởng nhanh, cho hiệu quả cao

Hầu hết các lồng nuôi chỉ sử dụng con giống từ nguồn sinh sản nhân tạo vì sự khan hiếm con giống loài này ở tự nhiên. Chính vì vậy, nhu cầu con giống đang ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương. Hiện nay, quy trình sản xuất giống cá giò đã ổn định và đơn giản hóa để áp dụng rộng rãi. Quá trình bắt đầu từ nuôi vỗ cá giò bố mẹ trong lồng lưới. Ở tuổi thứ 2, cá giò có thể thành thục tuyến sinh dục. Khi sinh sản, cho cá đẻ trong bể xi măng hoặc trong giai, ấp trứng và ương ấu trùng trong bể composite hoặc bể xi măng. Cá giò thường đẻ vào ban đêm, tập trung vào thời gian từ 21 – 24 giờ. Trứng được thu ngay sau khi đẻ, tách riêng và ấp ở nhiệt độ 28 – 300C. Sau 24 – 28 giờ, trứng sẽ nở thành cá bột có chiều dài 4 – 4,2mm. Ở ngày tuổi thứ 3, cá bắt đầu ăn sinh vật phù du cỡ nhỏ như luân trùng, ấu trùng hàu hà, nauplius của copepoda, tiếp đến là loại cỡ lớn như copepoda trưởng thành, artemia ấu trùng và trưởng thành, sau đó có thể luyện cho chúng ăn thức ăn hỗn hợp. Giải quyết thức ăn tươi sống cho ấu trùng cá bằng việc nuôi tảo thuần trên túi nilong, nuôi luân trùng thâm canh trên bể nhỏ, gây nuôi sinh vật phù du trên ao đất vùng nước lợ. Tỷ lệ cá giống tính từ khi nở cỡ 12 – 15cm đạt 4 – 5%, thời gian ương từ 50 – 60 ngày. Vì vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất giống cá giò dễ dàng, thuận lợi và có điều kiện mở rộng.

 

Cần kiểm tra định kỳ

Do cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biển ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang… Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển. Có 2 kiểu lồng nuôi phổ biến là lồng gỗ có kích thước từ 27 – 216 m3, thường được nuôi ở vùng kín sóng gió và lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích từ 300m3 trở lên) có khả năng nuôi được ở những vùng biển hở. Cỡ mắt lưới lồng dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo sự tăng trưởng của cá. Trong quá trình nuôi, cần theo dõi tình trạng sức khỏe và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay đổi lưới lồng 2 – 3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra neo, lưới… và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Cá thu hoạch tốt nhất từ 5 – 10 kg. Trong quá trình nuôi khi cá đạt cỡ thương phẩm có thể thu tỉa để bán dần và nên thu hoạch, bán hết khi có đầu ra để quay vòng chu kỳ nuôi mới.

>> Cá giò hiện được tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu quy mô nhỏ ra nước ngoài ở dạng cá sống (Quảng Ninh, Hải Phòng) hoặc được chế biến hay đông lạnh (Khánh Hòa, Vũng Tàu). Giá cá giò dao động khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!