Hiệu quả nuôi cua bằng hệ thống tuần hoàn nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình ứng dụng nuôi cua trong nhà bằng hệ thống tuần hoàn nước đang được quan tâm phát triển. Nhờ nguồn nước được tái sử dụng hoàn toàn, cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng, đem lại sản phẩm cua lột chất lượng cao cho thị trường.

Tại các thành phố lớn, dân số đông, do quá trình đô thị hoá nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, việc phát triển nông nghiệp phải phù hợp với đặc trưng của thành phố. Trong đó, nuôi cua thương phẩm, cua lột trong hộp bằng hệ thống tuần hoàn nước với những ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo ôxy, đảm bảo an toàn thực phẩm, không chứa thuốc và kháng sinh.

Nuôi cua trong hộp nhựa tại Hà Nội

Đó là mô hình của chị Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn 3 Xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì – Hà Nội) đã xây dựng trang trại nuôi cua với quy mô hơn 1.000 hộp trên diện tích 300 m².

Với hệ thống nước tuần hoàn, môi trường phát triển của cua được đảm bảo và có  lợi thế không bị ảnh hưởng từ thiên nhiên, thời tiết. Cua thành phẩm đảm bảo sạch vì môi trường sống được kiểm tra liên tục.

Theo các đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Chất lượng của thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng, mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. 

Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước cho hiệu quả cao. Ảnh: Trần Công Đạt

Với mô hình tuần hoàn, nhân viên trang trại phải thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, khả năng ăn uống của cua để kịp thời điều chỉnh hệ thống đảm bảo môi trường sống. Tại trang trại, cua được cho ăn ốc bươu vàng, cá, động vật nhuyễn thể 2 mảnh… thức ăn rất dễ kiếm với giá thành rẻ.

Ưu điểm nổi bật của mô hình này là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn. Cụ thể, thức ăn thừa của cua được lọc thô còn chất cặn bẩn thải ra trong quá trình nuôi cua được đưa vào trong môi trường yếm khí để phân hủy. Chất thải sau đó đi qua màng lọc, được bổ sung thêm chất khoáng cần thiết và tiếp tục đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng tới 99,5%.

Chị Oanh chia sẻ, giai đoạn đầu khi nuôi cua, giống cua Cà Mau được nhập về đã xảy ra tình trạng chết rất nhiều, cao điểm có giai đoạn cua chết đồng loạt đến 50%. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, chủ cơ sở đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu do sự chênh lệch thời tiết, khác biệt môi trường sống, giống cua Cà Mau khi chuyển ra Hà Nội gặp thời tiết lạnh nên sức khỏe yếu, dễ dẫn đến chết hàng loạt.

Để khắc phục tình trạng cua chết vì môi trường sống thay đổi, quản lý trang trại thực hiện kiểm tra chất lượng nguồn nước cùng nhiệt độ. Nhân viên trang trại phải thường xuyên kiểm tra mẫu nước nhằm điều chỉnh môi trường nước phù hợp để cua phát triển. Công việc này được duy trì thường xuyên đảm bảo hệ thống tuần hoàn hoạt động tốt.

Chi phí đầu tư nhà xưởng giai đoạn ban đầu vào khoảng trên 1 tỷ đồng, điều quan trọng đầu tiên khi nuôi cua hệ thống nước tuần hoàn chính là nguồn nước biển. Nước biển được mua trực tiếp ở Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) với giá từ 500.000 – 600.000 đồng/1m³. Cơ sở sử dụng 30 m³ nước biển, lượng hao hụt khoảng 5% mỗi tháng có thể bổ sung bằng nước ngọt, nếu vi sinh hoạt động tốt và theo dõi đảm bảo sẽ duy trì được 1 – 1,5 năm mới phải thay nước mới.

Được biết cách nuôi này tiết kiệm nước, chỉ cần dùng các hộp nhựa được xếp thành giàn để tiết kiệm không gian nuôi, Trong đó, bộ phận chính là hệ thống ống nước và các thiết bị đo môi trường.

Hiện nay, mô hình nuôi cua đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt, cụ thể trung bình mỗi tháng trại cua của chị Oanh xuất ra thị trường 300 – 400 kg cua cốm và cua lột (hơn 1.000 hộp) đến các siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội và các khách lẻ cho thu nhập từ 240 – 360 triệu đồng. Ngoài xuất bán cua thương phẩm, các cơ sở còn triển khai thêm dịch vụ câu cua giải trí hướng tới thị trường trải nghiệm cho các gia đình.

TP Hồ Chí Minh nuôi cua lột trong hộp nhựa

Vừa qua, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài “Mô hình nuôi cua lột (Scylla sp.) trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước”.

Cua lột có giá trị kinh tế cao. Ảnh: ST

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tập trung xây dựng và chuyển giao mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước cho hộ dân Vũ Hoàng Hùng (ấp Rạch Lá, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ).

Hệ thống tuần hoàn và thiết bị nuôi thương phẩm cua lột gồm các hộp nuôi cua, bể chứa, trống lọc, bể lọc sinh học, lọc skimmer, đèn UV.

Theo quy trình, nước từ bể chứa đã xử lý, được bơm vào hệ thống qua trống lọc, để lọc các cặn bã, vật chất lơ lửng. Sau đó, nước bơm qua bể lọc sinh học, rồi tiếp tục chảy qua lọc skimmer (thiết bị thu nước và dẫn trả về hệ thống lọc tuần hoàn) và qua đèn UV để khử khuẩn.

Nước từ đèn UV chảy ngược lại bể lọc sinh học, sau đó được bơm lên các hộp nuôi cua. Nước thải từ hộp nuôi cua chảy qua trống lọc, rồi chảy về bể lọc sinh học để xử lý và được bơm lên hệ thống nuôi trở lại. Vòng tuần hoàn trên được lặp lại trong suốt quá trình nuôi.

Hệ thống được lắp đặt có quy mô 500 hộp nuôi với các thông số kỹ thuật như chất lượng nước DO > 5 ppm, nhiệt độ 28 – 30ºC, độ mặn 15 – 20‰, độ kiềm 200 – 230 ppm, NO2 < 0,2 ppm, NO3 < 100 ppm và pH 7,5 – 8,8.

Kích cỡ thả giống 200 gram/con; tỷ lệ sống 90%, lột 84,07 – 87,58%, thay nước tối đa 5 – 10%/ngày. Năng suất thu hoạch 393 kg/3 vụ, tương ứng với 1.165 con cua lột thương phẩm có trọng lượng từ 321 – 367 gram/con. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước, quy mô 500 hộp/vụ (3 vụ/năm) cho lợi nhuận khoảng 102 triệu đồng.

Ngọc Diệp

Cua biển (Scylla sp.) là một trong những món hải sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đây cũng là một trong những đối tượng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Hiện nay, sản phẩm cua lột có giá bán cao hơn cua thương phẩm từ 4 đến 5 lần. Cua lột có giá trị kinh tế vì thịt cua lột có hàm lượng đạm 57,02 - 65,95%, khoáng 10,41 - 16,71% và hàm lượng lipid chiếm 3,52 - 9,45% - đều cao hơn cua thịt. Cua lột còn giàu các loại vitamin khoáng chất như vitamin B2, B5, B6, B12, C, sắt, magie, canxi, kẽm…

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!