Năm 2014, ông Thái Văn Kía, ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau nhận thấy có xuất hiện trùn chỉ từ cỏ mục trong vuông tôm nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống. Cũng từ đó tôm của ông mau lớn, đạt năng suất cao.
Ông Kía có 1 ha đất nuôi tôm cua cá kết hợp theo hình thức nuôi quảng canh truyền thống trong những năm đầu áp dụng cho năng suất cao. Theo thời gian môi trường ao nuôi không còn như trước, dịch bệnh, thời tiết biến động… trong khi đó các loại chi phí cho thả tôm giống, chế phẩm sinh học và cải tạo hàng năm cũng khá lớn. Ông Kía bộc bạch: “Vào mỗi tháng thả 30 – 40 ngàn con tôm giống nhưng cũng chỉ thu được 1 – 2 triệu, chi phí không đủ để trang trải cuộc sống…”. Nuôi tôm theo mô hình truyền thống dần không mang lại hiệu quả, cuộc sống của ông ngày càng khó khăn hơn.
Ông Kía đang thu gom cỏ từ bờ vuông tôm để xuống ao tạo thức ăn cho tôm
Tưởng phải từ bỏ mô hình gắn bó bao năm qua nhưng sự bất ngờ lại đến với ông trong tình cờ nhưng đầy thuyết phục về khoa học. Ông Kía cho biết: “Lúc trước làm cỏ bờ vuông tôm đợi khô để đốt nhưng vuông trống quá nên khi khô đem gom đống lại để dưới vuông tôm. Ban đêm rọi đèn thấy tôm tập trung, buổi sáng lại thấy tôm lột vỏ nhiều đồng thời thấy tôm lớn nhanh hơn so với trước”.
Ông Kía xuống kiểm tra thấy trùn chỉ xuất hiện nhiều trong đống cỏ mục, đây chính là đối tượng làm mồi có hàm lượng dinh dưỡng rất tốt cho tôm sú. Thấy vậy, ông tiếp tục làm cỏ để khô, gom nhiều trên mặt đầm tôm, theo mé bờ ông tấp cỏ phủ xuống.
Sau 2 tháng thả tôm vụ đầu tiên, tôm đạt trọng lượng 40 con/kg, sau 3,5 tháng tôm đạt 22 – 24 con/kg, 4 tháng tôm đạt 18 – 20 con/kg, trung bình mỗi tháng ông Kía thu hoạch được 15 triệu đồng từ mô hình này trên diện tích 1 ha. Và hiện ông đang thu hoạch đợt tôm được 2 tháng 20 ngày với trọng lượng 32 con/kg, mỗi đêm thu hoạch trên dưới 10 kg.
Thấy tôm mau lớn, nhiều người dân trong xóm vẫn chưa tin và cho rằng tôm đạt trong lượng 17 – 18 con/kg mà ông Kía bán được là do tôm còn sót lại từ nhiều vụ nuôi trước. Nhưng sau vài tháng nuôi, thấy ông bán với số lượng lớn, mọi người tò mò đến xem tận mắt mới tin mô hình này hiệu quả.
Ông Kía cho biết thêm, khi sử dụng cỏ không chỉ bổ sung trùn chỉ – thức ăn tốt cho tôm mà môi trường nước ao nuôi có màu xanh rất tốt, không cần sử dụng vôi hay chế phẩm sinh học nào khác, tôm vẫn mau lớn và không bị chết thất thường như trước.
Kỹ sư Ngô Minh Kỉnh, cán bộ khuyến nông xã Phú Thuận cho biết: “Mô hình này bước đầu cho hiệu quả cao, tạo được nguồn thức ăn là trùn chỉ rất tốt cho tôm, đây là loại thức ăn các trại sản xuất tôm giống bố mẹ hay dùng để cho tôm mẹ ăn để mau lên trứng. Đồng thời, sử dụng cỏ cho xuống ao còn gây màu nước, tạo môi trường tốt cho tôm phát triển”.
>> Các loại cỏ có trên bờ vuông tôm như cỏ nước mặn, sậy, lức, chuối… ông Kía đều thu khô rồi cho xuống vuông tôm. Ông còn xin thêm cỏ từ bờ vuông hàng xóm để thực hiện mô hình, mỗi đống có diện tích 4 m2. |