T6, 28/05/2021 05:33

Hiệu quả phần mềm AquaSim trong nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Canh tác chuẩn xác là một phương thức thu thập và ghi lại tất cả dữ liệu sản xuất và phân tích dữ liệu đó để không ngừng cải thiện Quy trình nuôi một cách toàn diện. Dựa trên yếu tố này, phần mềm Aquasim được Skretting phát triển như một nền tảng kỹ thuật số giúp cung cấp cho người nuôi những dữ liệu hàng ngày để đạt tốc độ tăng trưởng tối đa.

Những thông tin về phần mềm AquaSim đã được Giám đốc Truyền thông khu vực Nam Á Skretting Arjen Roem chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến về chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam do Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy, Cơ quan Innovation Norway, Bộ NN&PTNT và VCCI phối hợp tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội.

Tương lai của nuôi biển

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha, nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo khoảng 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 166.910 ha, diện tích còn lại phục vụ các hình thức nuôi khác. Một số đối tượng nuôi chính như nhóm nhuyễn thể có ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương; nhóm cá biển gồm cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá măng biển; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ; rong tảo biển có rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho, tảo biển và các đối tượng nuôi khác như hải sâm, sinh vật cảnh… Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, phát triển nuôi biển trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

AquaSim có thể kết hợp với các giải pháp IOT bên ngoài nhằm hỗ trợ người nuôi thực hành canh tác chuẩn xác một cách hiệu quả nhất

Trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg, một trong những định hướng quan trong trong Chiến lược là “Phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”. Một trong những giải pháp cần chú trọng để phát triển nghề nuôi biển đó chính là công nghệ.

Thực hành canh tác chuẩn xác

Canh tác chuẩn xác là một phương thức thu thập và ghi lại tất cả dữ liệu sản xuất và phân tích dữ liệu đó để không ngừng cải thiện quy trình nuôi một cách toàn diện. Mục đích chính là cải thiện sức khỏe và phúc lợi động vật, đồng thời nâng cao khả năng dự đoán, năng suất, lợi nhuận, tính bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.

Mức cho ăn sẽ quyết định hiệu quả của loại thức ăn người nuôi đang sử dụng. Nếu không cho ăn, cá sẽ giảm trọng lượng, vì vậy người nuôi cần cho ăn nhiều một chút để duy trì trọng lượng. Chỉ khi người nuôi cho ăn nhiều hơn mức duy trì, cá mới bắt đầu phát triển và FCR giảm xuống. Khi cá được cho ăn đến mực hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu, cá sẽ tăng trưởng tối đa và FCR là tối thiểu. Trường hợp cá được tiếp tục cho ăn nhiều hơn lữa, thức ăn sẽ bị lãng phí và FCR bắt đầu tăng trở lại.

Dựa trên yếu tố này, phần mềm AquaSim được Skretting phát triển như một nền tảng kỹ thuật số giúp cung cấp cho người nuôi những dữ liệu hàng ngày để đạt tốc độ tăng trưởng tối đa. AquaSim được trang bị các đường tăng trưởng chuẩn cho một số loài cá biển. Trong đó, cá chẽm là loàimới nhất mà chúng tôi vừa hoàn thiện đường chuẩn này. Nó dựa trên dữ liệu từ sự tăng trưởng của cá chẽm tại nhiều vị trí, kích thước và nhiệt độ khác nhau. Mô hình tăng trưởng sẽ cung cấp cho người nuôi ước tính tốt nhất cho lượng thức ăn hàng ngày dựa trên trọng lượng của cá và nhiệt độ môi trường. Tuy nhiên, AquaSim có thể làm được nhiều hơn thế. Ứng dụng này có thể hỗ trợ người nuôi với các mô phỏng, tiên lượng và đánh giá so sánh.

Ví dụ mô phỏng về Phần mềm AquaSim

Ứng dụng AquaSim trong Thực hành canh tác chuẩn xác

Trong mô phỏng này, chúng tôi biết nhiệt độ hàng tháng tại một địa điểm và đối với cá hồi 100 g/con, từ đó có thể ước tính đường cong tăng trưởng và khi nó đạt 5 hoặc 6 kg/con. Điều này giúp người nuôi lập kế hoạch thu hoạch hoặc quyết định về quy mô thả giống. Nhưng trong một số trường hợp xuất hiện biến động về nhiệt độ,cá sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Hệ thống sẽ ngay lập tức điều chỉnh dự báo dựa trên thông tin thực tế được cung cấp.

Cuối cùng, người nuôi có thể so sánh các nhóm cá có trọng lượng ban đầu khác nhau, nhiệt độ khác nhau, địa điểm khác nhau, ngày tuổi khác nhau vì tốc độ tăng trưởng được thể hiện dựa trên mô hình. Từ đó, người nuôi có thể đánh giá tại sao có những chênh lệch giữa các nhóm và đưa ra được phương án khắc phục.

AquaSim cũng có thể được kết nối với các giải pháp IOT bên ngoài. Tại các lồng bè nuôi cá hồi, phần mềm được kết nối với một camera thế hệ mới đo liên tục sinh khối, phân bổ kích thước trong đàn cá, nhiệt độ và hàm lượng ôxy. Đây là một nguồn thông tin vô cùng hữu ích cho mô hình tăng trưởng để đưa ra các khuyến nghị cho ăn hàng ngày chuẩn xác hơn, nhờ đó làm giảm FCR. Hơn nữa, khi người nuôi nắm được phân bổ kích thước bên trong đàn cá, họ có thể đưa ra quyết định thu hoạch phù hợp.

Video giới thiệu AquaSim:

Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra các giải pháp thu nhận dữ liệu tối ưu cho canh tác chính xác; kết nối máy cấp thông minh, máy ước tính sinh khối và giám sát chất lượng nước… Có những lợi thế rõ ràng trong quản lý chuỗi cung ứng khi chúng ta có thể kết nối trực tiếp với các khách hàng lớn về mặt dự báo của cả hai bên. Skretting tin chắc rằng việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng ngành nuôi bền vững sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho nghề nuôi cá biển.

 

>> Ông Arjen Roem, Giám đốc Truyền thông khu vực Nam Á: “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra các giải pháp thu nhận dữ liệu tối ưu cho canh tác chính xác; kết nối máy cấp thông minh, máy ước tính sinh khối và giám sát chất lượng nước... Có những lợi thế rõ ràng trong quản lý chuỗi cung ứng khi chúng ta có thể kết nối trực tiếp với các khách hàng lớn về mặt dự báo của cả hai bên. Skretting tin chắc rằng việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng ngành nuôi bền vững sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho nghề nuôi cá biển”.

Skretting Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!