Hiệu quả “trên lúa, dưới cá” ở Bắc Kạn

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi thủy sản đang được chú trọng và khuyến khích phát triển. Mô hình nuôi cá xen canh lúa đem lại hiệu quả cao, được xem là một hướng đi nhiều triển vọng.


Khôi phục nghề truyền thống

Hình thức nuôi cá ruộng tại tỉnh Bắc Kạn đã có từ lâu đời, song người dân chủ yếu nuôi quảng canh, năng suất thấp, đối tượng chủ đạo là cá chép địa phương, tốc độ tăng trưởng chậm. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và lạm dụng quá thuốc bảo vệ thực vật, nghề nuôi cá ruộng bị mai một, số hộ nuôi giảm, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Nhằm khôi phục nghề nuôi cá ruộng truyền thống của nhiều địa phương trong tỉnh, Trung tâm Giống cây trồng – vật nuôi tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá – lúa tại các huyện Na Rì, Bạch Thông…, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Tham gia mô hình, người dân được tập huấn, phát tài liệu, hỗ trợ con giống, thức ăn và được tư vấn kỹ thuật nuôi nhiều loại cá khác trong ruộng lúa. Ngoài các loại cá truyền thống, một số giống cá (rô phi đơn tính, chép lai, mè…) được lựa chọn cho mô hình. Những giống cá này có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi; chúng là loại ăn tạp, thức ăn đa dạng, phong phú (các loài động, thực vật phù du, giun đất, ấu trùng…). Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất mô hình cá – lúa ở các mùa vụ, người dân tham gia mô hình cũng phải tuân thủ các nguyên tắc riêng, như: ruộng nuôi phải có diện tích 1.000 – 2.000 m2; có nguồn nước chủ động; có chuôm rộng 50 m2 cho cá trú ẩn khi làm cỏ, gặt hái; không phun thuốc hoá học độc hại nên cần chọn các giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh cao.

 

Hiệu quả bền vững

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, các hộ dân và kết quả thống kê của nhiều mô hình cho thấy, tỷ lệ sống của cá đạt 60%, trồng lúa kết hợp nuôi cá cho thu nhập gấp 2 – 3 lần so với độc canh lúa.

Nhờ phát triển mô hình “trên lúa, dưới cá”, đời sống nhiều hộ nông dân được cải thiện đáng kể. Bà Hà Thị Liên (thôn Nà Ngang, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông) đã chuyển đổi từ trồng lúa đơn thuần sang nuôi kết hợp cá – lúa trên 1.700 m2 đất ruộng; gia đình đầu tư làm đường mương trong ruộng, làm chuôm kết hợp thả 500 con cá rô phi đơn tính. Sau 3 tháng thả nuôi, sản lượng cá đạt gần 50 kg/1.000 m2 mặt nước.

Mô hình cá – lúa cho thu nhập gấp 2 – 3 lần so với độc canh cây lúa – Ảnh: Trần Út

Ông Ma Hoàng Chấn (thôn Nà Pả, xã Hà Vị) cho biết: Mô hình này thích hợp, dễ nuôi, lợi cho môi trường sinh thái. Trong thời gian lúa mới cấy thì cho cá vào ao ươm riêng bằng thức ăn công nghiệp, cá khoảng 1 tháng tuổi thì thả vào ruộng khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, từ đó cá sinh trưởng bằng thức ăn tự nhiên. Qua hơn 3 tháng nuôi, các loại cá truyền thống (như rô phi, chép…) đã cho thu hoạch. Bây giờ mô hình cá – lúa đã thật sự cuốn hút nông dân nơi đây.

Tiến sĩ Elizabeth Simelton, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nông Lâm thế giới (ICRAF) tại Việt Nam, cho biết: Mô hình nuôi cá ruộng kết hợp trồng lúa đem lại nhiều lợi ích. Cá tìm mồi ở đáy ruộng, đảo dinh dưỡng từ nền đáy ruộng lúa, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt; việc bón phân hữu cơ cho lúa lại là nguồn thức ăn cho cá, giảm chi phí thức ăn nuôi cá. Cá nuôi trong ruộng có tác dụng diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại lúa; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái; phân cá thải ra làm đất ruộng lúa giàu thêm dinh dưỡng. Kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa còn tận dụng được thời gian nhàn rỗi của nông dân trong vụ lúa, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ nuôi cá, nhiều địa phương còn kết hợp nuôi tôm càng xanh. Như tại các xã Côn Minh và Lam Sơn (huyện Na Rì) 2 năm nay đưa tôm càng xanh vào nuôi thử nghiệm, theo đánh giá của phòng Nông Lâm nghiệp huyện, tôm càng xanh nuôi phù hợp nước và khí hậu địa phương, năng suất khá cao.

 

Ba lỗ hổng kiến thức

Thực tế hiện nay các mặt hàng thực phẩm thủy sản như cá, tôm… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường tỉnh Bắc Kạn, hằng ngày vẫn phải nhập từ tỉnh khác về với số lượng khá lớn. Chính vì vậy, việc phát triển nhiều mô hình thủy sản kết hợp trồng lúa vừa đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng địa phương, vừa mang lại thu nhập cho người dân, đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tỉnh.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Elizabeth Simelton, mô hình cá – lúa ở Bắc Kạn đang phải đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là nhận thức của người dân. Trong đó, người dân đang đối diện 3 lỗ hổng kiến thức: Về điều kiện thích ứng của mô hình, người nuôi phải đối phó với sự khắc nghiệt của thời tiết như rủi ro do bão lũ, hay lựa chọn đối tượng nuôi thay thế trong mùa đông; Về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, cần gắn phát triển kinh tế tỉnh với mục tiêu an ninh lượng thực lúa gạo quốc gia, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu nhận thức về vấn đề môi trường.

>> Theo Tiến sĩ Elizabeth Simelton, để mô hình cá – lúa phát triển hơn nữa, cần có chính sách phù hợp trong việc sử dụng đất và đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời bổ sung kiến thức cần thiết về mô hình cho người dân.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!