Từ năm 2009 đến nay, để nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản, UBND tỉnh Nghệ An đã có những chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi.
Thuyền về cảng cá Cửa Lò – Ảnh: Sao Mai
Cụ thể: chuyển từ nghề te sang giã kéo xa bờ, nghề chụp gần bờ sang nghề lưới rê xù, nghề vó ánh sáng sang nghề chụp mực 4 tăng gông, nghề chụp 2 sào gần bờ sang nghề vây rút chì xa bờ, nghề kéo gần bờ sang nghề lưới vây xa bờ, nghề xăm gần bờ sang nghề lưới vây xa bờ, nghề giã kéo tôm ở tuyến lộng sang nghề giã kéo xa bờ. Năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 4.010 tàu thuyền khai thác thủy sản, giảm 251 chiếc so năm 2009; các phương tiện có công suất máy chính dưới 20 CV giảm 397 chiếc; từ 20 CV đến dưới 90 CV giảm 217 chiếc; tàu khai thác xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên năm 2013 là 1.151 chiếc, tăng 344 chiếc so năm 2009. Tổng công suất tàu thuyền khai thác thủy sản là 370.418 CV, tăng 121.739 CV so năm 2009.
Chính sách chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi của tỉnh đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, mua sắm, cải hoán tàu cá vươn khơi. Đội tàu xa bờ phát triển mạnh góp phần quan trọng trong việc đưa sản lượng đánh bắt thủy sản của tỉnh năm 2013 đạt 83.510 tấn, tăng gần 150% so năm 2009 (55.673 tấn). Sản lượng khai thác vùng khơi đạt trên 60% tổng sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh. Hiệu quả sau mỗi chuyến biển cao hơn so với nghề khai thác ở vùng lộng trước đây, thời gian bám biển được dài hơn, năng suất khai thác cao hơn, thu nhập của các ngư dân ngày càng được ổn định và nâng cao.