(TSVN) – Năm 2023, lĩnh vực khuyến ngư nước ta đã triển khai 35 dự án, với 35 mô hình ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao, góp phần phát triển bền vững, phù hợp với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Một số công nghệ – kỹ thuật tiên tiến đã được chuyển giao có thể kể: Kỹ thuật nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn công nghệ cao 4.0; Nuôi tôm bằng công nghệ sinh học; nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; Nuôi tôm sú – lúa; tôm – rừng, kết hợp 2 – 3 giai đoạn theo hướng hữu cơ; Công nghệ ương nuôi giống cá tra 2 giai đoạn. Các Dự án nuôi trồng thủy sản có quy mô trên 7.000 ha, tập trung tại vùng ĐBSCL.
Đây là những mô hình nuôi tôm, nuôi cá tra “thông minh”, giảm chi phí, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
Ngư dân nuôi biển được chuyển giao công nghệ nuôi biển bằng lồng HDPE, với các loài có giá trị kinh tế cao. Lồng nuôi có thể chịu bão đến cấp 12, giúp giảm rủi ro, tăng hiệu quả.
Dự án triển khai trên 5.000 m3, được thực hiện tại các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kiên Giang. Kết quả, mô hình đã làm thay đổi phương thức nuôi theo tập quán cũ của người dân, chuyển sang nuôi với thức ăn công nghiệp và sử dụng vật liệu lồng HDPE có khả năng chống chịu với mưa bão, giúp phát triển bền vững nghề nuôi biển, nâng cao tỷ lệ sống của thủy sản nuôi, tăng hiệu quả kinh tế.
Các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên, đã và đang thực hiện có hiệu quả Dự án nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa. Kết quả, năng suất các mô hình đạt trên 15kg/ m3; Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng theo VietGAP…
Dự án này được triển khai với khoảng 5.000 m3 lồng bè trên các sông và hồ chứa, năng suất đạt hơn 10kg/m3. Dự án đã tăng hiệu quả kinh tế lên 30% so với cách nuôi truyền thống.
– Phát triển cơ giới hóa nghề lưới rê tầng đáy vùng khơi
Mô hình sử dụng 1 hệ thống động cơ thủy lực, tích hợp hệ thống tang thành cao đồng trục thu/thả lưới, thay vì phải sử dụng 4 bộ máy tời tang ma sát theo truyền thống, đã cho kết quả tốt. Mô hình giúp giảm số lượng lao động từ 2 – 3 người; gia tăng tuổi thọ giềng tời lên 1,5 lần; tốc độ thu lưới gấp 1⁄2 lần so với tời truyền thống, hiệu quả kinh tế tăng trên 30%.
– Ứng dụng chuyển giao hầm bảo quản trên tàu cá
Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá, sử dụng vật liệu PU (polyurethane), có hệ số dẫn nhiệt thấp, tỷ lệ giãn nở, độ bền cao, kết hợp vật liệu composite.
Công nghệ hầm bảo quản mới nói trên đảm bảo độ kín nước, tránh thẩm thấu nước đá, giảm tổn thất truyền nhiệt. Nhờ đó tiết kiệm được gần 30% lượng đá hao hụt, giữ được chất lượng nguyên liệu thủy sản sau khai thác. Công nghệ hầm bảo quản mới, đã kéo dài thời gian đánh bắt của ngư dân trên biển, nhưng vẫn đảm bảo muối cá tươi đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế tăng 25%.
– Dự án ứng dụng đèn LED trên tàu lưới vây
Lợi nhuận trung bình tăng 25 – 40% mỗi chuyến biển. Đó là nhờ các ngư dân khai thác tàu lưới vây, sử dụng công nghệ đèn LED có góc phát sáng, quang phổ phù hợp, để thay thế loại đèn truyền thống halogen. Kết quả, tiết kiệm 30 – 60% nhiên liệu chạy máy phát điện, giảm 18 – 22% chi phí chuyến biển, góp phần bảo vệ môi trường.
– Dự án ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trong khai thác thủy sản
Hệ thống nhật ký điện tử trong khai thác thủy sản, nghĩa là ứng dụng công nghệ số. Nó cho phép số hoá toạ độ, thông tin sản lượng đánh bắt, thành phần loài đánh bắt, thống kê cụ thể từng mẻ lưới và truyền dữ liệu đánh bắt qua sóng điện tử. Mô hình đã hỗ trợ chủ tàu nhập, lưu trữ, báo cáo hệ thống dữ liệu khai thác nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức, đặc biệt hiệu quả trong điều kiện thời tiết xấu. Hệ thống nhật ký điện tử trong khai thác thủy sản, phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước, truy xuất nguồn gốc hải sản, chống khai thác bất hợp pháp IUU.
Xuân Trường (Trung tâm Khuyến nông quốc gia)