Dịp đầu xuân mới, nhiều cửa biển trong cả nước đồng loạt tổ chức các hoạt động lễ hội và mở biển. Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân hồ hởi ra khơi.
Tâm nguyện với biển
Sáng mùng 3 Tết, người dân vạn chài ở cửa biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) đều tập trung về tham dự lễ xuất hành nhúng nước lưới đầu năm. Trong chiều sâu tâm tưởng, mỗi người đều gửi ước nguyện một năm làm ăn no đủ, thuyền ra khơi an toàn, trời yên, biển lặng.
“Năm mới năm mới, chúng tôi bước tới, trước viếng ông bà, chúc mừng gia chủ, kính chúc quý cụ, các chị các anh…”, mở đầu buổi lễ là tiết mục hát, múa bả trạo, sắc bùa có làn điệu mang đậm văn hóa của ngư dân miền Trung.
Nhiều năm trước, đến ngày xuân, đội sắc bùa lại xuống làng chài để sắc cho từng gia chủ. “Mở ngõ mở ngõ, khoen trên còn xỏ, khoen dưới còn cài, chúng tôi đã đến…”. Chủ nhà hớn hở chạy ra ngõ đón đoàn. Đầu tiên là hát mở ngõ, tiếp đến hát vô sân, vô hè… Và mọi gia đình đều mời đoàn hát vào để xin may mắn. Còn giờ đây, cả làng tập trung đến để nghe đội sắc bùa cầu may cho cả làng.
Sắc bùa là thể loại hát múa dân gian của người dân vùng Nam Trung bộ. Một lời chúc, một lời tâm sự được chuyển tải bằng bài hát của ông Cái trong đội. Trong tiếng trống giục, đoàn thuyền của vạn chài Sa Huỳnh mở biển, lao nhanh ra cửa. Đầu tiên là vạn Thạch Bi, đến vạn chài Thạnh Đức 2, Thạnh Đức 1.
Tàu ngư dân mở biển
Năm 2012, gần 1.000 tàu cá tại cửa biển Sa Huỳnh đã khai thác đạt sản lượng 37.200 tấn hải sản. Thành công trong đánh bắt, ngư dân tiếp tục đóng mới tàu thuyền để vươn ra khơi.
Không rời Trường Sa
Tại vạn chài Bình Chánh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn), âm thanh ngày mùa đầu năm cũng được các ngư dân gửi vào điệu hò của bài chèo bả trạo: “Gặp khi sóng lớn dạt dào, kêu ngài ngài đỡ dựa vào cứu dân, anh em ta khỏe khoắn dần dần, nhờ ngài cứu độ tấm thân an toàn”. Trong ngày lễ của làng, trên bàn thờ luôn đặt đĩa cá chuồn. Ngư dân thường có câu cửa miệng: “18 tháng 3, giỗ cha thằng chuồn”. Mấy trăm năm trước, ngư dân vạn chài Bình Chánh chuyên hành nghề đánh bắt cá chuồn.
Ông Đoàn Hữu Ngọt, chủ vạn cho biết: “Vạn chài Bình Chánh được các cụ khai khẩn từ năm 1599. Hàng trăm năm trước, ngư dân ở làng này mở biển bằng những chiếc thuyền buồm nhỏ. Chuyện sống chết phó thác cho biển cả. Vì vậy, lễ hội cầu ngư cũng là cầu cho dân vạn chài bình an ra khơi và trở về được duy trì từ đời này sang đời khác”.
Thời trước ông bà đi thuyền buồm, bây giờ con cháu đi tàu công suất lớn. Ngư dân Bình Chánh một năm sống ở Trường Sa 9 – 10 tháng. Tàu to, thiết bị trên tàu đầy đủ, nhưng cuộc mưu sinh xa bờ khiến ngư dân làng chài vẫn gặp nhiều rủi ro. Mùa biển cách đây 2 năm, 5 ngư dân ở vạn bị nạn khi đi câu mực. Vì vậy, việc cầu mùa giúp ngư dân thanh thản, cho tàu ra khơi.
Vạn chài Bình Chánh có gần 90 tàu cá, khoảng 3.000 ngư dân. So với nhiều địa phương khác, số lượng tàu không nhiều, nhưng ngư dân Bình Chánh chỉ hành nghề ở Trường Sa. Tàu được lắp máy công suất lớn, thu nhập hàng năm của ngư dân Bình Chánh rất cao.
Năm 2012, anh Võ Văn Lung được vạn chài vinh danh là ngư dân số 1 của làng. Kết thúc mùa biển, tổng thu nhập của anh Lung đạt 7,6 tỷ đồng, mỗi ngư dân đi bạn trên tàu được chia 240 triệu đồng. Riêng thuyền trưởng được hơn 2 tỷ đồng, mức thu nhập mà không phải ai cũng làm được. Năm mới này, anh Lung tiếp tục liên kết để có thêm một tàu công suất 1.000 mã lực ra khơi bám biển Trường Sa.
Tàu to, thành công lớn
Trong đội hình các ngư dân múa bả trạo tại cửa biển Sa Cần, ông Lê Văn Đồng, người khoác áo đỏ, đầu đội mũ hia dẫn đầu đoàn múa bả trảo xướng lên những điệu hò miền biển: “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo, anh em ơi…!. Nghe tiếng hò của ông, trai tráng trong làng cùng hò theo. Âm thanh dội ra những con tàu đang cắm cờ đỏ sao vàng, phần phật trong gió xuân.
Hát bả trạo ở vạn chài Sa Huỳnh
Ông Đồng tâm sự: “Ngư dân chúng tôi nhiều người rành chuyện Trường Sa hơn đất liền. Bởi phiên biển đi liên tục 2 – 3 tháng. Ăn tết xong, nhiều tàu trở lại Trường Sa. Một tàu đi vài phiên biển là tới Tết. Trong buổi lễ, hát rất nhiều bài, nhưng cơ bản là động viên anh em, phải bám biển tới cùng, ông Đồng cho biết thêm.
Ngược về cửa biển Cổ Lũy thuộc huyện Tư Nghĩa, lễ xuất hành đầu năm được ngư dân vạn chài tổ chức bằng hoạt động đua thuyền truyền thống của 4 xã Nghĩa Phú, Nghĩa An, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà. Tiếng hò reo vang dậy khi trai tráng trong làng gò lưng chèo thuyền. Cuộc đua được tổ chức thành nhiều vòng để xếp loại nhất, nhì. Trong đội thuyền, có 3 chiếc thuyền rồng, 1 thuyền phụng. Người dân địa phương quan niệm, thuyền nào thắng thì trong năm sẽ gặp thuận lợi tương ứng.
>> Đến các làng chài trong ngày đầu xuân, nơi nào ngư dân cũng bàn chuyện tàu phải 400 mã lực trở lên. Những thuyền trưởng kỳ cựu đánh bắt thành công đều khẳng định: “Nghề xa bờ làm ăn rất khá. Trong tương lai, đóng tàu càng lớn, đánh bắt càng thành công”. |