Hồ Suối Hai nuôi cá lồng hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Để giúp nông dân tăng thu nhập, tạo sản phẩm sạch có giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, tiêu biểu là mô hình nuôi cá lồng tại hồ Suối Hai (Ba Vì).

Cách làm hay

Năm 1996 – 1997, tại hồ chứa Suối Hai, một đơn vị đã thử nghiệm nuôi cá rô phi trong lồng, từ cỡ cá giống lên cá thịt, thời gian 3 tháng; bước đầu có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng.

Từ tháng 4/2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện mô hình nuôi cá lồng hồ chứa an toàn sinh học tại hồ Suối Hai, quy mô 2.160 m3 lồng, nhằm tạo sản phẩm thủy sản an toàn, thêm môi trường sản xuất cho người dân sống quanh hồ. Mô hình bước đầu do 15 hộ thuộc xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì) thực hiện, với các đối tượng nuôi chính: rô phi, chép, điêu hồng. Con giống được chọn kỹ, do Trung tâm Thiết kế – Tư vấn – Chuyển giao công nghệ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) cung cấp.

Hà Nội nhân rộng mô hình nuôi cá lồng – Ảnh: CTV    

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngoài việc hỗ trợ 100% con giống, các hộ còn được hỗ trợ 30% thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh cho cá. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật; hằng tháng tiến hành kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá bằng phương pháp cân mẫu. Mỗi loại cá chọn ngẫu nhiên 30 con cân mẫu lấy kết quả trung bình. Cán bộ kỹ thuật giám sát, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng yêu cầu ghi chép đầy đủ để hạch toán sản xuất và rút kinh nghiệm nuôi sau này.

 

Hiệu quả cao

Với mô hình nuôi cá lồng các tỉnh đang thực hiện, năng suất bình quân chỉ đạt 40 – 45 kg/m3. Tại hồ chứa Suối Hai (Hà Nội), cá không bị dịch bệnh; sau 5 tháng nuôi, chi phí đầu tư 1m3 lồng khoảng 1,4 triệu đồng, năng suất trên 50 kg/m3, lợi nhuận khoảng 323.000 đồng; đồng thời, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều gia đình.

Hiện, tại hồ Suối Hai chủ yếu nuôi cá rô phi, chép, điêu hồng – Ảnh: Đào Huyền

Ông Lã Đức Quảng (thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh) cho biết, với 4.000 m2 mặt nước, ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm 850 m3 lồng chứa, nuôi hơn 20.000 con ếch, thả 1 tấn cá (chép, điêu hồng, rô phi…). Từ khi triển khai mô hình, được hỗ trợ 100% con giống, 5 tấn cám thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh, ông Quảng còn được các kỹ sư khuyến nông giúp đỡ tận tình. Phân chia từng loại ếch vào từng lồng khác nhau, mật độ thả nuôi ếch 100 – 150 con/m3, thiết kế chuồng nuôi ếch lưới nilon cách mặt nước 40 – 50 cm thay cho bể xi măng tại các vùng nước lưu thông, tận dụng thức ăn rơi vãi từ ếch làm thức ăn cho cá, ông đã xây dựng một mô hình nuôi cá – ếch bài bản, khoa học, tiết kiệm 40 – 50% chi phí đầu tư. Năm 2012, mô hình nuôi cá – ếch của gia đình ông hiệu quả rất cao. Cá và ếch sinh trưởng tốt; ếch sau 3 tháng nuôi đã đạt trọng lượng 200 – 300 g/con; sản lượng dự kiến hơn 28 tấn. Tương tự, ông Cao Xuân Tý, hộ tham gia mô hình, cho biết, năng suất của 1m3 lồng nuôi của gia đình ông trên 54 kg/m3; trong đó cá chép 84 kg/m3, rô phi 42 kg/m3, điêu hồng 37 kg/m3.

Để nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa, Trung tâm Khuyến nông đề nghị tiếp tục xây dựng hệ thống nuôi cá lồng tại các hồ chứa theo phương pháp nuôi trồng của Trung tâm. Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu, các huyện có nhiều hồ chứa cần quy hoạch vùng nuôi cụ thể, tránh phát triển ồ ạt, tự phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi của dân cũng như hệ sinh thái của các hồ chứa. Sở NN&PTNT phối hợp các huyện lập dự án, bàn biện pháp và cơ chế để nhanh chóng đưa 4.327 ha mặt nước vào khai thác, tạo nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.

>> Tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Hà Nội rất lớn, với 30.840 ha mặt nước; trong đó, diện tích hồ chứa 4.327 ha, thuộc 4 huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Các hồ chứa có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, khá phù hợp nuôi trồng thủy sản, nhất là các loài cá giá trị kinh tế cao lại chưa được tận dụng nhiều.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!