T2, 06/07/2020 10:08

Hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ Chương trình đánh bắt thủy sản xa bờ được bắt đầu cách đây 15 năm theo Quyết định 393/TTg ngày 9-6-1997, đến nay, Nhà nước đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho ngư dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để các chính sách đó thật sự đến với ngư dân.

Lênh đênh nghề biển

Cả nước hiện có hơn bốn triệu lao động nghề cá, với số lượng ngư dân hơn 600 nghìn người, lao động trên khoảng 130 nghìn tàu, thuyền đánh cá lớn nhỏ. Ðây không chỉ là lực lượng lao động sản xuất đông đảo mà còn là lực lượng khẳng định quyền chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi năm họ phải sống chung với bảy đến mười cơn bão và diễn biến phức tạp của thời tiết. Những bất ổn về an toàn hoạt động đối với ngư dân, phương tiện đi biển và tài sản của họ trên biển do các yếu tố khác nhau đang nổi lên phổ biến trong những năm qua. Trong bối cảnh đó, Nhà nước đã ban hành các chính sách  hỗ trợ và bảo vệ ngư dân sản xuất, nhất là sản xuất ở các vùng biển xa. Bốn năm qua, đã có hai quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ. Ðó là Quyết định 289/2008/QÐ-TTg ngày 18-3-2008, sau đó, việc hỗ trợ đối với ngư dân hộ chính sách, hộ cận nghèo còn được quy định tại Quyết định 696/2008/QÐ-TTg  ngày 21-7-2008. Ðể khuyến khích đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, ngày 13-7-2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 48/2010/QÐ-TTg. Quyết định này được cụ thể hóa bằng Thông tư liên tịch số  11/2011/TTLT-BNN-BQP-BTC ngày 14-3-2011, giữa các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính, trong đó quy định cụ thể về các việc được hỗ trợ, đối tượng và thủ tục quy trình hỗ trợ. Như vậy, xét về mặt văn bản pháp lý là khá đầy đủ. Bà con ngư dân được hỗ trợ nhiều hơn, tăng thêm thời gian sản xuất trên biển, đầu tư sắm mới phương tiện, ngư lưới cụ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, nhất là đối tượng chính như ngư dân lại chưa được hưởng lợi ích trực tiếp.

 

Ngư dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đánh bắt hải sản xa bờ.  

Chúng tôi có mặt ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 9, thời điểm thường là các thuyền cá đều tấp nập ra khơi. Nhưng trái  ngược với điều đó, nhiều tàu cá của huyện đảo lại đang nằm bờ. Gặp anh Trần Hiền, thôn Tây, xã An Vĩnh đang bế con trước cửa nhà, chưa kịp chào hỏi gì, anh đã bắt chuyện: Nhà báo đến hỏi về chuyện đi biển của tôi à? Vẫn chưa đi được đâu. Sau chuyến đi biển chịu rủi ro hồi đầu tháng 2 đến nay tôi “nằm bờ” suốt. Tàu thì vẫn còn nhưng ngư cụ thì mất hết, giờ sắm mới vô cùng tốn kém. Hiện tại, nhờ số tiền trợ giúp từ Chương trình Tấm lưới nghĩa tình, tôi đang mua lại một số ngư cụ. Nhưng cũng khó đủ lắm, phải vay thêm vốn. Mà giờ thì không thể vay vốn ngân hàng vì khoản tiền vay trước mình chưa trả được, tài sản thế chấp cũng không còn.

Nói rồi, anh Hiền cúi xuống trầm ngâm: Tôi đi biển đã 17 năm, chưa khi nào thấy nghề biển khó khăn như thời điểm này. Cũng chưa khi nào phải xa biển dài ngày như vậy. Không chừng sắp tới phải đi theo các tàu cá khác làm thuê. Vì nhớ biển, và vì tiền nữa. Chứ giờ vợ ở nhà chạy chợ, nuôi chồng và hai đứa con thơ thì làm sao đủ được.

Anh Hiền cho biết, những chủ tàu kiểu như anh ở Lý Sơn không hiếm. Rủi ro trong nghề đi biển ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn.

Ðem chuyện anh Hiền trao đổi với Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh Lê Khuân, chúng tôi cũng chỉ nhận được sự cảm thông và chia sẻ. Vì như anh Khuân nói, nghiệp đoàn hiện có 29 thành viên, mới thành lập từ tháng 7-2012 cho nên kinh phí hạn hẹp, chưa thể trợ giúp tài chính cho ngư dân. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng: Hiện nay, ngoài các chính sách của tỉnh và Nhà nước về hỗ trợ ngư dân thì huyện không có thêm một chính sách riêng nào vì nguồn ngân sách hạn hẹp quá. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách của Nhà nước cũng chưa đem lại kết quả đáng kể vì hiện nay ngư dân cần nhất là vốn để đóng mới tàu, thuyền và mua sắm ngư cụ nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn. Muốn vay vốn phải thế chấp tài sản mà nhiều ngư dân sau những đợt vay trước đã không còn tài sản thế chấp. Mặt khác, vốn cho vay ít, có khi chỉ vài chục triệu đồng trong khi ngư dân cần đến hàng trăm triệu đồng. Ðiều này không chỉ xảy ra ở riêng Lý Sơn, mà còn ở nhiều địa phương khác. Không chỉ vay vốn, các chính sách hỗ trợ ngư dân giải quyết khó khăn về giá dầu, vật tư máy móc, ngư lưới cụ, thiết bị và thông tin liên lạc trên biển cũng chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Nguyên nhân vẫn là các chính sách thiếu tính thực tế. Quyết định 289 hay 48 đều có giá trị ở tầm vĩ mô nhưng khi thực thi do sự cào bằng trong hỗ trợ và sự nhiêu khê, lòng vòng của thủ tục mà ngư dân đã không được hưởng lợi ích, như mục tiêu đề ra từ chính sách.

Chính sách cần sát với ngư dân

Nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc – một người tâm huyết với sự phát triển của nghề đánh bắt xa bờ, thẳng thắn cho rằng: Về mặt văn bản, các chính sách hỗ trợ ngư dân đã được Nhà nước ban hành là khá đầy đủ. Nhưng cái cần là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, sát với người sản xuất và linh hoạt điều chỉnh để có tính khả thi cao, trong đó ngư dân chứ không ai khác là người phải được hưởng lợi trực tiếp. Trách nhiệm tổ chức thực hiện không chỉ thuộc về các cấp chính quyền cơ sở, mà quan trọng hơn là các cơ quan nhà nước và chuyên môn ở Trung ương. Xác định rõ như vậy, chính sách mới được áp dụng đúng, có hiệu lực và hiệu quả. Trên thực tế, trong các ngành kinh tế biển thì nghề đánh bắt cá biển có đông đảo lao động nhất, cuộc sống và điều kiện lao động cũng khó khăn hơn nhiều so với các ngành khác. Người đi khai thác xa bờ lại càng vất vả và rủi ro. Họ thật sự cần hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống. Nhìn lại chương trình đánh bắt xa bờ được triển khai từ năm 1997. Ðó là một chương trình khá đồng bộ với chính sách tín dụng ưu đãi để đóng, sắm mới và cải hoán tàu cá, cùng với hệ thống chính sách miễn giảm thuế ở mức ưu tiên cao cho tàu xa bờ. Các thành phần kinh tế khi có đủ điều kiện đều được vay vốn đóng tàu lớn đi khai thác và làm dịch vụ. Mô hình tổ chức sản xuất trên biển của mỗi con tàu này cũng được đúc kết rút kinh nghiệm thường xuyên và dần ổn định, phát huy hiệu quả. Ðể phù hợp, nhiều hợp tác xã lúc đó được thành lập mới và chuyển đổi (sau khi có Luật Hợp tác xã năm 1993) theo mô hình hợp tác xã trên mỗi đơn vị thuyền nghề. Một lực lượng tàu, thuyền khai thác xa bờ khá mạnh đã hình thành là bước ngoặt về năng lực sản xuất nghề cá trên biển. Nhưng năng lực sản xuất đó chưa bảo đảm được hiệu quả bởi cơ cấu tổ chức sản xuất chưa tương xứng, dự báo ngư trường và nguồn lợi chậm đáp ứng yêu cầu của sản xuất, nguồn lực cán bộ kỹ thuật hạn chế, chưa bắt kịp với đòi hỏi của loại hình sản xuất mới. Những điều cơ bản đó đã làm hạn chế kết quả chương trình. Nhưng có một cái được đáng kể sau khi vận hành chương trình là từ cái thiếu và yếu đó có thể rút kinh nghiệm để đồng bộ hóa các chính sách hỗ trợ ngư dân và phát triển nghề cá xa bờ giai đoạn hiện nay. Ðó là sự đồng bộ giữa việc đầu tư nâng cấp năng lực sản xuất với xây dựng phương thức tổ chức sản xuất của ngư dân trên biển, triển khai những nhiệm vụ khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực nghề cá biển.

Ðể giúp ngư dân và cũng là để ngư dân phát huy tốt hơn vai trò của mình trong Chiến lược biển còn nhiều việc cần phải làm và có nhiều cách để làm, Nhà nước, nhân dân và toàn thể xã hội phải cùng chung sức. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng những chính sách phù hợp, phát huy hiệu quả thiết thực đối với mỗi chuyến đi biển của ngư dân. Với nhiều bất cập đã gặp phải từ việc xây dựng cũng như thực thi chính sách hỗ trợ ngư dân, thiết nghĩ cần có cái nhìn khác nữa về hoạch định hệ thống chính sách loại này, như ý kiến của nguyên Bộ trưởng  Tạ Quang Ngọc: Trước khi nói đến các chính sách phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, cần nói đến các chính sách phát triển cộng đồng ven biển với đặc thù nghề biển để giảm sự vất vả vật lộn của ngư dân, để có cái gốc cho người lao động đi xa bờ hơn. Dân trí và truyền thống văn hóa các cộng đồng ven biển phải là cái nền cần được quan tâm trước tiên để đưa ra chính sách. Chúng ta đã có những thành công bước đầu trong việc xây dựng nông thôn mới với người nông dân trong đó. Tuy nhiên, với cộng đồng làm nghề biển và sống ven biển thì có lẽ chúng ta làm chưa được bao nhiêu, chưa tính đến những điều kiện đặc thù của bà con để có chính sách phù hợp. Phải chăng, đây là cái trước tiên phải nghĩ, sớm bắt tay và làm lâu dài cho sự phát triển nghề cá nói riêng và nghề biển nói chung.

Ánh Tuyết

Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!