Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản Chu Tiến Vĩnh trao đổi với Tiền Phong, ngày 11-5, về việc hỗ trợ tàu cá nằm bờ do giá xăng dầu tăng.
Ông Vĩnh cho biết: Hiện cả nước có khoảng 130.000 tàu cá của gần 30 tỉnh thành ven biển. Khi có thông tin về tàu cá của ngư dân ở nhiều địa phương nằm bờ do giá xăng dầu tăng, Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản, tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra thực tế các địa phương cả 3 miền, nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân.
Qua kiểm tra, tổng hợp từ các địa phương, do giá xăng dầu tăng, có tới 30% lượng tàu cá phải nằm bờ, 40% hoạt động cầm chừng, chỉ có 30% là vẫn hoạt động bình thường. Trong đó, nằm bờ chủ yếu là loại tàu có công suất lớn từ 90 đến hơn 300 CV, đây là loại đánh bắt ngoài khơi, mỗi ngày có thể ngốn cả tấn dầu.
Đội tàu ở Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu là những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất. Riêng Kiên Giang có khoảng 9.000 tàu đánh cá, trong đó có khoảng 4.000 tàu có công suất lớn; còn Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tàu kéo lưới đáy.
Vậy, ngoài giá xăng dầu tăng, ngư dân đang phải chịu thêm những khó khăn nào?
Ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Giá cả đầu vào (xăng dầu, điện, nước đá…) liên tục tăng, trong khi giá bán cá tăng chưa tương xứng. Đa số ngư dân vẫn vay tiền của các nậu vựa (đầu nậu, thương lái cấp 1), nên khi đánh được cá phải bán lại cho đầu nậu.
Trong khi, giá ở đầu nậu lại kẹt bởi thị trường, nhất là hầu hết cá ở miền Bắc xuất tiểu ngạch bằng xe đông lạnh qua Trung Quốc, giá cả hằng ngày do dân buôn phía nước bạn chi phối. Có thể thấy, mớ cá đến tay người tiêu dùng hiện rất đắt, vì phải qua nhiều khâu, mỗi khâu nâng một mức giá, và chỉ có ngư dân là thiệt thòi.
Vậy họ xoay xở ra sao để bám biển và Bộ có phương án hay kế hoạch nào để hỗ trợ?
Thường các hộ là anh em, hàng xóm lập thành một tổ 5 – 7 tàu, khi đánh bắt được thì cử một tàu mang về, hoặc làm dịch vụ trên biển. Hoặc ở Kiên Giang, ngư dân dùng một tàu mẹ, kéo một vài tàu khác ra ngư trường để tiết kiệm dầu.
Nhiều nơi, ngư dân giãn các chuyển đi biển, hoặc kéo dài thời gian ở trên biển. Còn ở Hải Phòng, nhiều hộ ngư dân đầu tư dầu cho một tàu chạy ra ngư trường đánh bắt thăm dò, lúc nào phát hiện có nhiều cá thì cả đoàn ra để đánh bắt mang về…
Trước khó khăn như vậy, chúng tôi đã soạn thảo phương án để hỗ trợ, hiện đang xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, sau đó trình Thủ tướng xem xét quyết định. Đối với tàu 50 CV trở xuống, không cần phải hỗ trợ. Mức hỗ trợ sẽ tập trung vào các loại tàu 90 CV trở lên.
Hơn nữa, loại tàu này nếu nằm bờ sẽ ảnh hưởng sản lượng khai thác, cũng như vấn đề an ninh trên biển. Khi hỗ trợ, sẽ phân loại tàu công suất 90 – 150 CV, 150 – 250 CV, 250 – 400… Tàu đi biển có chứng nhận của chính quyền xã, phường, xác nhận của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (đi mấy chuyến, bao nhiêu ngày…), sau đó sẽ nhận tiền hỗ trợ ở Sở Tài chính.
Xăng dầu chỉ là chuyện trước mắt. Về lâu dài, cần tổ chức các khu dịch vụ hậu cần trên biển. Ngoài ra, có thể hỗ trợ ngư dân khoanh nợ, giãn nợ, tổ chức tổ đội sản xuất; áp dụng chính sách giảm số lượng tàu cá, vay vốn ưu đãi, tổ chức hệ thống thu mua, bình ổn giá cả.
Phạm Anh
Theo Tiền Phong