T2, 06/07/2020 10:43

Hỗ trợ phát triển tàu cá chưa đồng bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” được tổ chức tại Phú Yên vào ngày 22/12 vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc mà ngư dân đang gặp phải, đồng thời cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển.

Nhiều bất cập cần giải quyết

Thời gian qua, với những chính sách đã được Đảng và Nhà nước ban hành hỗ trợ cho ngư dân phát triển kinh tế biển, như hỗ trợ vay vốn tín dụng để đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ; hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển, trang thiết bị thông tin liên lạc và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển… Việc thực hiện các chính sách này đã góp phần phát triển số lượng tàu cá có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ, làm chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ; ngư dân đã khôi phục được sản xuất khi gặp rủi ro trên biển, thông tin liên lạc được thông suốt đã góp phần phòng tránh, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai trên biển đối với ngư dân…

Ca1131224.jpg 

Ngư dân phường 6 (TP Tuy Hòa) chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau chuyến biển dài ngày – Ảnh: A.Ngọc

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà ngư dân gặp phải đó là tàu đánh bắt xa bờ chưa tương xứng, đa số tàu bằng vỏ gỗ, công nghệ và kỹ thuật khai thác còn hạn chế, dữ liệu về ngư trường chưa đầy đủ, trữ lượng hải sản bị cạn kiệt. Các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được đầu tư, hoặc đầu tư chưa đồng bộ dẫn đến kém hiệu quả; sản phẩm thủy sản của ngư dân bị tư thương thao túng, ép giá, trong khi giá cả vật tư thiết yếu phục vụ khai thác hải sản xa bờ ngày càng tăng. Các chính sách hỗ trợ cho ngư dân vẫn còn nhiều mặt hạn chế, sinh kế của ngư dân cũng thiếu bền vững. Theo UBND tỉnh Bình Định, các cơ sở hạ tầng bến cá, cảng cá tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường còn thấp nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Vấn đề tranh chấp ngư trường, tàu cá của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, bị tàu lạ đâm chìm… không chỉ gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, gây tâm lý bất ổn đối với ngư dân.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Việc thực hiện hỗ trợ phát triển tàu cá chưa đồng bộ, vì cho vay đóng tàu nhưng chưa tính đến cho vay mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị trên tàu; mức hỗ trợ chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế của ngư dân. Đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên chưa được đào tạo nên không đủ khả năng vận hành phương tiện lớn, hiện đại, khiến các dự án khó thu hồi được vốn do hiệu quả thấp. Trong khi đó, các điều kiện để được hưởng chính sách còn chưa sát với thực tế như máy tàu phải đảm bảo mới 100%, các máy móc, thiết bị được hỗ trợ phải đảm bảo yếu tố nội địa 60% trở lên. Đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng được 83 cảng cá, đã triển khai xây dựng 65 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nghề cá, hiện chỉ đạt 36% số tàu thuyền của ngư dân đến neo đậu so với quy hoạch đã phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác triển khai hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chức năng chưa kịp thời, thiếu các quy định, tiêu chuẩn… đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các chính sách này trong thời gian qua”.

Giải pháp hỗ trợ ngư dân

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế biển. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế biển gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Cơ cấu lại lực lượng đánh bắt gần bờ, đồng thời có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của ngư dân ven biển. Phát triển nhanh lực lượng khai thác xa bờ theo hướng đầu tư trang bị phương tiện và công nghệ hiện đại, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền theo quy hoạch, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn… Ông Nguyễn Huy Lượng, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng: “Mặc dù có chính sách hỗ trợ nhưng hiện nay ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, điều kiện cho vay vẫn áp dụng cơ chế cho vay thương mại. Thực tế cho thấy, các chính sách tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ chỉ đáp ứng một số ít nhu cầu của ngư dân. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn, chính sách hỗ trợ cần phù hợp với điều kiện kinh tế của ngư dân, thủ tục cho vay cần thông thoáng hơn. Chính sách hỗ trợ dầu cho tàu cá khai thác ở vùng biển xa, còn tình trạng bình quân so với mức tiêu hao nhiên liệu giữa các tàu công suất lớn và nhỏ. Nhà nước cần tăng cường công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện bị mất, bị hư hỏng nặng. Cần có chính sách khuyến khích, thu hút con em ngư dân theo học nghề khai thác hải sản tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để tạo nguồn nhân lực hoạt động nghề cá trên biển; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế theo mô hình hợp tác, liên doanh, liên kết chế biến, tiêu thụ và tham gia các hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách đã thực hiện trong thời gian qua và đề xuất một số chính sách mới để tạo điều kiện cho ngư dân tham gia phát triển kinh tế biển. Ngoài việc tập trung điều tra nguồn lợi thủy sản xa bờ, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ đề án đến năm 2020 xây dựng 5 trung tâm nghề cá quy mô quốc gia trên toàn quốc, trong đó miền Trung sẽ có 2 trung tâm được xây tại TP Đà Nẵng và Khánh Hòa. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ phát triển tàu vỏ thép có công suất lớn phục vụ hoạt động khai thác hải sản xa bờ, từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ. Bộ NN&PTNT cũng đang kiến nghị tăng mức vốn đầu tư cho chương trình tránh trú bão, cảng cá để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

>> TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi rất băn khoăn về bài toán tín dụng để đầu tư vào phương tiện, đổi mới kỹ thuật đánh bắt hải sản của ngư dân. Để cải thiện đời sống ngư dân, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu, đồng thời phải chọn sản phẩm thủy sản chiến lược để tập trung đầu tư. Bên cạnh đó, nên sớm xây dựng một trung tâm hải sản quốc gia, ưu tiên đặt tại miền Trung nhằm giải quyết đồng bộ từ xây dựng cảng, nơi neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần, xây dựng những nhà máy chế biến, trung tâm thương mại… nhằm đáp ứng các nhu cầu bức thiết hiện nay của ngư dân.

Anh Ngọc

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!