Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo 1 cơ quan quản lý cụ thể để giám sát giá thành sản xuất và giá xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, nếu hoạt động doanh nghiệp có lãi thì tiếp tục hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng đề nghị Chính phủ mạnh tay rút vốn đối với những doanh nghiệp chào bán giá thấp và không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Hỗ trợ vốn vay qua tín dụng đầu tư, tín dụng XK
Thuộc phạm vi quản lý của mình, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu thủy sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước; và các Nghị định số 54/2013/NĐ-CP và Nghị định số 133/2013/NĐ-CP bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước.
Mặt hàng thủy sản không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước bình ổn giá
Theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) thực hiện cho vay vốn tín dụng đầu tư đối với các dự án nuôi trồng thủy hải sản gắn với chế biến công nghiệp thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước và thực hiện cho vay vốn tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản.
Thời hạn cho vay vốn tín dụng đầu tư tối đa là 12 năm, thời hạn cho vay vốn tín dụng xuất khẩu tối đa là 12 tháng.
Lãi suất cho vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu do Chủ tịch Hội đồng quản lý NHPT báo cáo Bộ Tài chính công bố theo nguyên tắc thị trường. Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu được vay vốn theo cơ chế tín dụng xuất khẩu. Doanh nghiệp vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu tại Nghị định số 54/2013/NĐ-CP.
Mức vốn cho vay tối đa bằng 85% tổng nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo phương án đã được NHPT thẩm định và chấp thuận cho vay, đồng thời phải đảm bảo mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi đối tượng được vay không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của NHPT. Thời hạn cho vay được NHPT thẩm định nhưng không quá 12 tháng.
Đồng thời, gia hạn thời gian cho vay vốn lên tối đa là 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với các khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản, cà phê với điều kiện doanh nghiệp bị lỗ năm 2011 và năm 2012; không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với NHPT.
NHPT chịu trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục và quyết định cho vay, gia hạn nợ theo đúng quy định tại các văn bản trên của Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua cùng với các chính sách tài chính về thuế, hải quan, bảo hiểm nông nghiệp… các giải pháp về tín dụng nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Giá thủy sản hiện theo cơ chế thị trường
Về đề nghị giám sát giá thành sản xuất và giá xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng thủy sản không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước bình ổn giá, hiện nay giá mặt hàng thủy sản thực hiện theo cơ chế thị trường. Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản; thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ thuộc diện kê khai giá.
Vì vậy việc kiểm soát giá thành, giá bán của mặt hàng thủy sản, thức ăn chăn nuôi và thuốc dùng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản cần phải thực hiện theo các quy định đã nêu trên.
Về đề nghị Chính phủ mạnh tay rút vốn đối với những doanh nghiệp chào bán giá thấp và không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh, Bộ Tài chính cho rằng, trong thời gian qua, việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như chào bán giá thấp, không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính để khắc phục tình trạng này các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thực hiện phát triển thủy sản theo đúng nội dung và quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc cho vay vốn để hỗ trợ sản xuất và phát triển thủy sản cần thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng các quy định hiện hành.