Những năm gần đây, nuôi cá lồng, bè phát triển nhanh tại xã Thung Nai (Cao Phong).
Theo đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, mục tiêu chương trình hướng đến là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14 nghìn tấn/năm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định KT-XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình…
Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra mục tiêu về sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để bảo tồn, phát triển các giống thủy sản bản địa, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị khoa học, kinh tế cao; xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản… Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thuỷ sản đạt mức 6,5%/năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ 1.900 ha, đạt sản lượng 5.057 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản lồng bè 7.250 lồng, đạt sản lượng 7.348 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản hồ chứa 1.100 ha, đạt sản lượng 1.980 tấn/năm.
Thực hiện chương trình, năm 2022, Sở NN&PTNT đã chọn lọc, bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ gồm các loại cá chép, trắm cỏ, trôi, mỗi loại 100kg; riêng cá lăng 200kg. Đàn cá giống bố mẹ được nuôi tại Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản để phục vụ sản xuất con giống, giai đoạn 2025 – 2030. Bên cạnh đó, hằng năm, ngành thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.
Cũng theo đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tính riêng 9 tháng năm nay đã tổ chức 3 đợt giám sát dịch bệnh thủy sản, 3 đợt quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Qua đó thu 48 mẫu cá, 48 mẫu nước giám sát dịch bệnh, 84 mẫu nước quan trắc môi trường gửi đi phân tích. Kết quả, phát hiện sự có mặt của nấm trên mẫu cá. Từ kết quả phân tích, Chi cục đã thông báo đến Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình, các tổ chức, cá nhân tại các vùng nuôi tập trung và hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Nhờ triển khai kịp thời các giải pháp đã góp phần bảo vệ an toàn cho đàn thủy sản.
Song song đó, 2 năm qua, từ chương trình, nhiều mô hình áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản đã hình thành và nhân rộng, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản…
Giai đoạn 2022 – 2024, tốc độ giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh đạt 6,5%/năm, đạt mục tiêu đề ra. So với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về diện tích nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ 1.490ha, đạt 78,4%; sản lượng 2.882 tấn, đạt 55,9%. Toàn tỉnh có 4.987 lồng nuôi, đạt 68,7%; sản lượng 5.500 tấn, đạt 74,8%; diện tích thủy sản hồ chứa thủy lợi 1.200 ha, vượt so mục tiêu đề ra 9%; sản lượng 1.508 tấn, tấn đạt 76%.
Kết quả là đáng ghi nhận, song theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, cần thực hiện nhiệm vụ điều tra, lập hồ sơ và xây dựng phương án sắp xếp lồng bè vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với các điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình theo Quyết định số 966, ngày 5/6/2024 của UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Qua đó nâng cao hiệu quả chương trình, góp phần đưa nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Minh Vũ
Nguồn: Báo Hòa Bình