(TSVN) – Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng vùng hồ sông Ðà không chỉ đẹp mà còn chứa đựng tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái. Lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội tôm cá sông Đà với quy mô hoành tráng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách qua đó quảng bá sâu rộng thương hiệu thủy sản lòng hồ.
Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất đã chính thức diễn ra vào tối ngày 27/10 tại sân khấu phố đi bộ đường Đà Giang, TP Hòa Bình (tỉnh Hoà Bình). Chương trình do Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng Cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tham dự sự kiện
Mở đầu lễ khai mạc, người dân và du khách được hòa mình trong âm thanh rộn ràng, hào hùng xong cũng không kém phần linh thiêng của cồng chiêng xứ Mường. Ngay sau đó, những thước phim được trình chiếu trên sân khấu đã đưa người xem đến với một số hình ảnh về công tác phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ sông Đà nói riêng.
Sự kiện diễn ra tại sân khấu phố đi bộ thành phố Hoà Bình
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Hòa Bình có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu nhất là nền văn hóa Mường (nền văn hoá Hoà Bình của người Mường cổ) với các di sản nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước…; văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần, cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, mía tím Cao Phong…; Có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng như Động Thác Bờ, Bản Lác Mai Châu, Bản Giang Mỗ Bình Thanh Cao Phong, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình…Đặc biệt là Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là một trong 12 khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Thông qua các hoạt động của lễ hội, Hòa Bình mong muốn giới thiệu hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng. Mặt khác chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu hai nhãn hiệu đặc sản “Tôm sông Đà Hòa Bình” và “Cá sông Đà Hòa Bình”. Từ đó xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hoà Bình.
Ông Vũ Phương Nam, Phó TGĐ Công ty Bảo Tín Minh Châu đấu giá thành công cá trắm đen trọng lượng 20 kg
Thủy sản đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp Hòa Bình, chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Hiện nay, toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước với 4.940 lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.210 nghìn tấn. Những năm gần đây, Hòa Bình ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Do vậy Lễ hội tôm cá sông Đà chính là một dịp quan trọng để Hòa Bình quảng bá, định vị hình ảnh Thủ phủ cá tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Các cô gái trong trang phục truyền thống của người Mường thực hiện nghi thức mời trầu
Được biết năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu đặc sản “Cá Sông Đà – Hòa Bình” và “Tôm Sông Đà – Hòa Bình”. Theo đó, nhãn hiệu “Cá sông Đà Hòa Bình” được sử dụng để chứng nhận cho hai nhóm sản phẩm cá khai thác tự nhiên và nuôi, được công nhận đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng cảm quan, lý hóa và quy định khai thác hoặc nuôi. Nhãn hiệu “Tôm sông Đà Hòa Bình” chứng nhận cho sản phẩm tôm khai thác tự nhiên tại lưu vực sông Đà của tỉnh Hòa Bình, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cảm quan, lý hóa và quy định khai thác. Sản phẩm “Tôm sông Đà Hòa Bình” có đặc điểm cơ bản như: Màu nâu đất, mùi đặc trưng của tôm tươi, nguyên con, không lẫn tạp chất, không tồn dư kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh.
Người dân chiêm ngưỡng sản phẩm cá sông Đà
Tham quan gian hàng
Trong khuôn khổ của chương trình, ngoài các tiết mục văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc truyền thống còn diễn ra sự kiện đặc biệt, đó là màn đấu giá những sản phẩm cá khổng lồ là đặc sản hồ Hòa Bình được Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Hải Đăng và Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản và dịch vụ Cường Thịnh nuôi trồng tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Kết quả phiên đấu giá, ông Vũ Phương Nam, Phó TGĐ Công ty Bảo Tín Minh Châu là người trả giá cao nhất đối với sản phẩm cá trắm đen thương phẩm trọng lượng 30 kg của Công ty trách hiệm hữu hạn Thủy sản Hải Đăng với mức giá 65 triệu đồng. Sản phẩm cá thương phẩm Lăng đuôi đỏ có trọng lượng 20 kg của Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản và dịch vụ Cường Thịnh đã thuộc về ông Lê Văn Giang ở Hà Nội với mức giá 50 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền thu được thông qua đấu giá sẽ được 2 Công ty thủy sản mua cá giống thả xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ở môi trường tự nhiên.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)