Hòa Bình: Nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cá lồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung mở rộng quy mô nuôi cá lồng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả cao và lợi nhuận cho người dân.

Ổn định đầu ra

Hòa Bình là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước, toàn tỉnh có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Đặc biệt, nơi đây có nguồn nước hồ chứa sạch, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. 

Hiện Hòa Bình là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất nước ta. Ảnh: Hoàng Hà

Những năm qua, phong trào nuôi cá lồng bè của các hộ dân, doanh nghiệp đã phát triển khá mạnh, tập trung ở một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện ven lòng hồ sông Đà như Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc… với các loại cá có giá trị kinh tế như trắm, rô phi đơn tính, chiên, ngạnh, nheo, cá bỗng, cá tầm. Đa số lồng nuôi cá đều làm theo công nghệ mới, thiết kế lồng cá kiên cố. Theo đó, lồng lưới khung sắt với thể tích đạt 70 – 100 m3/lồng, thay thế dần lồng bằng cây bương, cây tre. Các hộ tham gia nuôi cơ bản đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản. Đặc biệt, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu đặc sản “Cá Sông Đà – Hòa Bình” và “Tôm Sông Đà – Hòa Bình”. Đây là điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu. Có 2 sản phẩm cá và chế biến từ cá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh như cá lăng đen sông Đà phi lê, cá rô phi sông Đà phi lê của Công ty TNHH Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen, lăng đen và lăng vàng sông Đà của Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản Hòa Bình, để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục kết hợp với doanh nghiệp, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng cá nuôi trên địa bàn luôn giữ ổn định đầu ra.

Hiện Hòa Bình là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất nước ta với gần 4.900 lồng, sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ cũng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của địa phương.

Phát huy thế mạnh

Nhằm phát huy những lợi thế, thể mạnh về sông, suối và các điều kiện tự nhiên, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch cơ cấu con giống hợp lý, đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản. Cùng với con giống bản địa, truyền thống, sẽ tích cực đưa các giống mới, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao năng suất sản lượng và giá trị sản phẩm.

Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định 2.700 ha (kết hợp nuôi tại các hồ thủy lợi 1.200 ha); 4.900 lồng nuôi cá; tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 4,5%; sản lượng thu hoạch thủy sản trên 12.000 tấn; sản xuất và ương dưỡng trên 100 triệu con giống thủy sản.

Thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi cá lồng tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng chứng nhận lồng nuôi cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quan tâm quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Tập trung phát triển chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả cao và lợi nhuận cho người dân nuôi cá lồng. Từ hiệu quả nuôi thủy sản, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên hồ Hòa Bình, mở ra cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sinh sống trên lòng hồ sông Đà.

>> Với tiềm năng đang có, giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh Hòa Bình xác định một trong những nhiệm trọng tâm là tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa theo hướng công nghiệp, ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè trên hồ chứa, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường. Để từ đó từng bước chuyển từ sản xuất thủy sản sang kinh tế thủy sản.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!