Hòa Bình: Phát triển thủy sản nhờ đa dạng đối tượng nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, trên hồ Hòa Bình xuất hiện mô hình nuôi một số loài thủy sản mới với nhiều triển vọng. Đây là hướng đi hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao khi đa dạng sản phẩm thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo Chi cục Thủy sản Hòa Bình, sản lượng cá giống tháng 5/2024 ước đạt 20 triệu con giống con các loại. Lũy kế năm 2024 ước đạt 80 triệu con đạt 40% kế hoạch năm. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là: Ương dưỡng cá bột, cá hương, cá giống gồm các loài cá truyền thống và một số loài đặc sản như: Cá Chiên, Lăng, Tầm, Bỗng… phục vụ cho sản xuất.

Năm 2024, tỉnh Hòa Bình phấn đấu duy trì khoảng 4,9 nghìn lồng nuôi cá. Ảnh: LT

Toàn tỉnh duy trì diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha ( nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha). Trong kỳ báo cáo diện tích nuôi đạt khoảng 97%, diện tích còn lại đang cải tạo chuẩn bị thả giống. Số lồng nuôi cá 4.900 lồng. Sản lượng nuôi trồng tháng 5 ước đạt 850 tấn. Luỹ kế từ đầu năm ước đạt 4.149 tấn, đạt 43,21 % kế hoạch giao.

Việc khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện, ngư cụ khai thác gồm chủ yếu là thuyền, lưới, vó đèn. Đối tượng khai thác là các loại cá: Cá vền, ngão, tép dầu và tôm sông. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 5 ước đạt 200 tấn. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, ước đạt 957 tấn đạt 39,8% kế hoạch đề ra.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên hồ Hòa Bình đang phát triển nghề nuôi cá lồng với gần 5 nghìn lồng cá, đem lại thu nhập cho khoảng 2 nghìn hộ dân. Bên cạnh hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tỉnh chú trọng việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi để tạo ra nhiều sản phẩm cá sông Đà có giá trị. Qua đó, thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân vùng hồ Hòa Bình.

Vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh tiến hành triển khai xây dựng Mô hình nuôi thử nghiệm cá chẽm trong lồng trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình để đánh giá tốc độ sinh trưởng phát triển, khả năng thích ứng với môi trường, khí hậu tại vùng hồ và hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình. Từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình nuôi cá Chẽm tại hồ Hòa Bình. Dự kiến bắt đầu từ tháng 4 – 12 sẽ triển khai xây dựng mô hình, tại 3 điểm xã Sơn Thủy – huyện Mai Châu; xã Tiền Phong – huyện Đà Bắc; Phường Thái Bình – TP Hòa Bình.

Theo Chi cục Thủy sản Hòa Bình, trước đây, bà con vùng hồ Hòa Bình chủ yếu nuôi các loài cá truyền thống như trắm cỏ và nuôi trong các lồng bằng tre. Mấy năm trở lại đây, lồng cá được đầu tư bằng khung kim loại nên độ bền cao. Đặc biệt, người dân đã đa dạng đối tượng nuôi, đặc biệt là nuôi một số loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá chình bông, các chạch gai, cá lăng đuôi đỏ, cá ngạnh, cá tầm hay gần đây nhất là mô hình nuôi ốc nhồi. Năm 2024, Chi cục dự kiến đưa vào mô hình nuôi thử nghiệm cá chẽm tại các xã: Sơn Thủy (Mai Châu), Tiền Phong (Đà Bắc) và phường Thái Bình (TP Hòa Bình). Đây là loài cá sống ở nước lợ và nước ngọt, có khả năng tiến hóa cao. Việc triển khai mô hình này nhằm kiểm tra các giống mới có phù hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương không, từ đó đa dạng các sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế của nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình.

Ngọc Diệp

Năm 2024, ngành thủy sản tỉnh Hòa Bình phấn đấu đẩy mạnh sản xuất thủy sản đưa giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt trên 0,338 nghìn tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2,7 nghìn ha (kết hợp nuôi tại các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); 4,9 nghìn lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản đạt 12,5 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng 10,5 nghìn tấn, khai thác 2 nghìn tấn.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!