Hòa Bình: Tổ chức liên kết để giảm khâu trung gian trong nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở NN&PTNT Hòa Bình vừa ban hành Công văn số 2270/SNN-TS về tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Cụ thể, để nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm phát triển ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh cả về số lượng và chất lượng, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức nắm bắt, rà soát, tổng hợp, thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản; lượng thủy sản đang nuôi; diễn biến giá nguyên liệu; kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp trong tổ chức nuôi, bán ra thị trường.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: ST

Cùng đó, đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, trắm đen, rô phi, chép, chiên, ngạnh… Phát triển nuôi hồ chứa và các đối tượng đặc hữu, có giá trị kinh tế của địa phương; Thực hiện các giải pháp hạ giá thành, áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số thức ăn. Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất. Đồng thời, tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng thủy sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; đảm bảo sản phẩm thủy sản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và yêu cầu thị trường. Tổ chức phát triển nuôi trồng thủy sản theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy người dân làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tổ chức liên kết, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi chủ lực…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!